Thời điểm cuối năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 21.000 ha chè, tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc vì vùng đất này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Nhưng tính đến tháng 9 năm nay, toàn tỉnh chỉ còn 13.000 ha. Điều đáng nói là người dân Lâm Đồng đã gắn bó cùng cây chè gần 100 năm nay, với những danh trà nổi tiếng trong và ngoài nước có xuất xứ từ vùng chè B’ Lao hay Cầu Đất - Đà Lạt. Thế nhưng, hiện tại nhiều vườn chè đang bị chủ nhân phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao và thị trường ổn định hơn.
Theo tính toán của một số hộ trồng chè ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, thì một ha chè chất lượng cao mỗi năm cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người trồng chỉ lãi trên 50 triệu, thua nhiều loại cây trồng hiện nay, trong khi cây chè cần rất nhiều công lao động từ khâu chăm sóc và thu hái. Giá cả vật tư đầu vào và nhân công vài năm gần đây tăng là một trong những nguyên nhân khiến người trồng khó có lãi.
Lãnh đạo xã Lộc Quảng cho biết, cuối năm 2015 toàn xã có 900 ha chè thì hiện chỉ còn 400 ha. Tương tự, thành phố Bảo Lộc từ chỗ có 7.000 ha chè, nay giảm xuống còn 3.000 ha. Điều đáng trăn trở là người trồng chè đang phá bỏ ngay cả những diện tích chè chất lượng cao. Tại hai xã Xuân Trường và Trạm Hành của thành phố Đà Lạt (vùng chè Cầu Đất), diện tích cây chè ở đây dù không lớn so với toàn tỉnh nhưng nông sản này đã có mặt ở vùng Cầu Đất từ thời Pháp. Tuy nhiên, hai năm nay người dân đã phá bỏ 40 ha dù đó là những loại giống chất lượng cao như Kim Tuyên, Tứ Quý... để chuyển qua trồng cà phê và rau hoa.
Trước thực tế giá chè những năm gần đây giảm mạnh, cơ quan quản lý và những doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng lúng túng trong việc định hướng và khó đảm bảo cho đời sống của người trồng chè. Ông Đoàn Trọng Phương, Tổng giám đốc công ty chè Lâm Đồng - Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam thừa nhận giá chè những năm gần đây phập phù, thu nhập của người trồng thấp. Có những diện tích chè chất lượng thấp thì thu không đủ chi.
Quốc Dũng