Chủ nhật, 12/1/2025
Chủ nhật, 28/2/2021, 05:00 (GMT+7)

Nông dân Gia Lai tưới cà phê ngày lẫn đêm

Sau Tết, nông dân ở Gia Lai chuẩn bị máy bơm, kéo ống tưới nước cả ngày đêm, giúp cây cà phê ra hoa, phát triển quả non.

Những ngày này, nhiều rẫy cà phê ở các huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê (Gia Lai) nhộn nhịp các loại máy móc bơm nước tưới. Đây là thời điểm quan trọng giúp cây ra hoa, đậu quả.

Tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, các hộ nông dân áp dụng cả tưới thủ công và tưới tự động.

Anh Bùi Đình Lâm (33 tuổi, xã Ia Sao), phụ bố kéo hơn 500 m ống dẫn nước tưới từ giếng đến vườn cà phê của gia đình. Máy móc, ống nước và nước giếng được thuê người dân cạnh vườn, mỗi giờ phải trả 100.000 đồng. Chi phí một đợt tưới khoảng 3-4 triệu đồng.

Hơn chục năm trồng cà phê, năm nào gia đình anh Lâm cũng thuê máy để tưới. "Gặp lúc khô hạn, cả vườn cà phê héo rũ, bố con anh phải thức thâu đêm để chờ nguồn nước tưới", anh kể.

Khi dẫn ống đến tận vườn, anh Lâm nối các ống lại với nhau, bắt đầu tưới vào từng gốc cây. Theo anh Lâm, tưới cà phê bằng hình thức này vất vả hơn so với tưới phun mưa tự động, vì phải canh máy, tự kéo và ráp ống.

Tiếp sau đó, anh cho máy nổ, bơm nước từ hồ lên vườn cà phê.

Cùng lúc, ông Bùi Đình Dương (bố anh Lâm) đào rãnh quanh gốc, không cho nước tràn ra ngoài hố cà phê.

Thời điểm này cây cà phê đang trổ hoa, ông Dương chỉ tưới ở gốc vì sợ rụng hoa. Cây cà phê ra hoa hai đợt, tháng Giêng và tháng 2 âm lịch.

Vườn cà phê của ông Dương trồng từ năm 2000, nay đã già cỗi, mùa vụ năm ngoái chỉ thu hoạch được gần 10 tấn. "Năm nay thời tiết có vẻ thuận lợi, hoa ra nhiều, nên cố gắng tưới thật đậm cho cây có sức đậu quả", người đàn ông 66 tuổi nói.

Hai bố con tranh thủ ngồi ăn trưa và nghỉ ngơi khoảng 30 phút trước khi tiếp tục công việc. Anh Lâm cho biết hiện là giáo viên THCS, sau Tết trường học đóng cửa vì dịch bệnh, đang rảnh rỗi nên anh phụ tưới cà phê.

Cách vườn ông Dương khoảng một km, anh Phạm Thế Bình (37 tuổi), cũng đang tỉa cành và tưới cho 1.000 gốc cà phê. Mùa vụ trước cả vườn thu hoạch được 10 tấn, năng suất giảm một nửa.

Anh Bình cho biết, nếu tưới thủ công, mỗi gốc mất từ 2 đến 5 phút. Tưới phun mưa tự động từ trên cao (bán kính tưới 10 m) kéo dài 7 tiếng. Mỗi năm có 3 đợt tưới: đợt một trước Tết - sau khi thu hoạch xong; đợt hai sau Tết, và đợt cuối vào đầu tháng 2.

Trước khi tưới, một số vườn tranh thủ bỏ thêm phân, giúp cây cà phê phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất.

Tối muộn, những nông dân trồng cà phê như anh Bình, ông Dương tiếp tục đội đèn pin tưới đến 1-2h hôm sau. "Tưới ban đêm không sợ thiếu nước, đặc biệt lượng nước tưới sẽ ít bốc hơi so với ban ngày", ông Dương chia sẻ.

Với 700 cây cà phê, hai bố con ông Dương dự kiến tưới liên tục hai ngày, hai đêm mới xong. Năm ngoái nguồn nước dồi dào, tưới hết vườn chỉ mất 28 tiếng.

Toàn tỉnh Gia Lai có trên 97.000 ha cà phê, trong đó diện tích đang thu hoạch hơn 80.000 ha. Năm 2019-2020, diện tích trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 600.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,64 triệu tấn, với năng suất bình quân là 2,74 tấn mỗi ha, giải quyết một triệu việc làm và mang lại hơn 3,4 tỷ USD cho nền kinh tế.

Ngọc Oanh