5h mỗi ngày, anh Mã Văn Lét (sống tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) lại cùng vợ chăm bẵm vườn na rộng 1 ha dưới chân núi gần nhà. Hơn 20 năm, từ một nông dân chân lấm tay bùn, gia đình anh Lét đã đổi đời nhờ loại quả bén duyên với xứ Lạng.
Giải pháp sinh ra từ khó khăn
Vào đầu những năm 1980, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử giữa cheo leo vách núi đá Cai Kinh. Khi đó, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá để trồng thử nghiệm cây na. Gia đình anh Lét ban đầu cũng thử theo hàng xóm, trồng na trên núi còn phần đất bằng dùng để trồng ngô, lúa.
Trồng lúa bao năm thấy thu nhập của gia đình chỉ đủ ăn tiêu, tài sản lớn nhất là chiếc xe máy để đi lại, anh Lét nghĩ phải thay đổi mô hình canh tác, cây na có thể là hướng đi mới. Nghĩ là làm, gia đình bàn nhau mạnh dạn từ bỏ lúa, ngô, toàn bộ diện tích đất vun vén cho na.
Tuy nhiên, thời gian đầu, anh Lét cũng như nhiều bà con khác trong vùng, chưa hiểu hết giống cây này, để nó phát triển tự nhiên, không cắt tỉa cành hay thụ phấn, do đó na bị bệnh chết cây, hỏng quả nhiều. Vào vụ, na chín nhanh, không để được lâu nên tư thương tìm cách ép giá. Do đó, trồng na vất vả nhưng cái nghèo cứ đeo bám người nông dân Chi Lăng.
Anh Lét chia sẻ trong giai đoạn này, chính quyền địa phương đã mở các lớp dạy nghề cho lao động nông nghiệp; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán và thụ phấn bổ sung cho cây na. Nhờ vậy, quả na dần được nâng cao cả về vẻ đẹp, chất lượng và giá trị để góp phần nâng cao đời sống cho người dân Chi Lăng.
Cái khó ló cái khôn, từ những lần tuốt lá na, anh Lét nảy ra ý tưởng trồng thêm vụ gối (trái vụ) do phát hiện cây tiếp tục ra hoa. "Năm 2010, nhà tôi vẫn còn trồng một ít na trên núi. Mỗi lần tuốt lá xuống để lót sọt cho quả không bị sứt, tôi để ý thấy trên cây lại bắt đầu trổ hoa, thậm chí đã đậu quả. Từ đó, tôi bắt đầu thử nghiệm cách cắt tỉa, thụ phấn hoa tiếp cho cây", anh kể.
Bắt tay vào làm nhưng chưa đủ kinh nghiệm, anh xuống nhà một người quen ở Đông Triều (Quảng Ninh) học hỏi thêm về mô hình kéo dài vụ na. Tuy nhiên, nhận thấy không phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng núi, cũng như chất đất Chi Lăng tốt hơn nhiều so với Đông Triều, anh quay về tự tìm tòi ra cách làm riêng. Mất đến 3 năm miệt mài nghiên cứu kỹ thuật trồng na vụ gối, anh Lét mới thành công.
Chia sẻ về phương pháp này, anh cho biết bước đầu tiên là phải xem lại thời gian thu hoạch chính vụ vào lúc nào để cắt tỉa cành hợp lý. "Nếu làm sớm quá trước vụ chính thì quả không lớn, làm muộn hơn thì thời tiết, khí hậu Lạng Sơn hay bị sương muối nên quả dễ bị rám đen, nứt dẫn tới không thu hoạch được. Hằng năm, phải tính toán cho na trái vụ chín vào khoảng cuối tháng 10 đến hết tháng 11, nếu để sang đến tháng 12 thì thời tiết đã lạnh rồi. Còn chính vụ thì chín thu hoạch từ 20/7 đến cuối tháng 8", anh Lét nói.
Để thu hoạch na vụ gối đúng thời gian trên, hằng năm anh phải cắt tỉa cành từ cuối tháng 6 sang tháng 7. Từ lúc cắt cành kích thích mầm hoa đến lúc được thụ phấn hoa khoảng 20 - 30 ngày. Do vậy, phải tính thời gian khi chuẩn bị cho thu hoạch vụ chính khoảng từ 15 đến 20 ngày thì bắt đầu thụ phấn cho vụ gối. Quả na từ lúc thụ phấn đến lúc thu hoạch được phải mất từ 95 đến 110 ngày.
Sau thời gian dài mày mò thử nghiệm nghiên cứu, năm 2012, anh Lét thu hoạch được hơn một tấn na trái vụ. Chất lượng quả đã ổn định nhưng lúc này, thách thức lại là tìm thị trường tiêu thụ. Thời gian đầu, ở Chi Lăng chưa có ai trồng được na vụ gối để cùng anh kết nối tìm nơi tiêu thụ. May mắn là anh đã tìm được và bán cho những xe buôn dọc quốc lộ qua xã. Đến khoảng năm 2015 - 2016, người dân quanh vùng bắt đầu học hỏi mô hình của anh Lét về làm na trái vụ.
Đặc biệt, từ giữa năm 2017 đến tháng 5/2021, mô hình nhà anh đã được áp dụng hai đề tài nghiên cứu gồm "Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn" và "Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học AVG (Retain) ở giai đoạn cận thu hoạch để kéo dài thời gian chín của quả na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn". Anh Lét cho biết hai đề tài này do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương thực hiện tìm ra những phương pháp sản xuất na rải vụ có hiệu quả nhất. Hiện nay, mô hình được nhân rộng trên địa bàn huyện với hơn 200 ha sản xuất na trái vụ, tạo thêm sản phẩm "Na Chi Lăng" vào tháng 10, 11 phục vụ khách hàng ở Hà Nội, Bắc Ninh.
Hái tiền từ "ép" na ra quả trái vụ
Bỏ lúa trồng na, thu nhập của gia đình anh Lét cao gấp 3 lần trước đây. Đặc biệt, từ khi áp dụng kỹ thuật trồng vụ gối, doanh thu gấp 5 lần. Hiện tại, gia đình anh có 800 gốc na đều cho thu hoạch quả. Trung bình, cả hai vụ na mỗi năm mang lại doanh thu khoảng 400 - 500 triệu đồng. Sản lượng na vụ chính khoảng 8 tấn, vụ gối 6 tấn.
Lợi nhuận từ cây na đem lại giúp anh Lét tích lũy để cải tạo được nhà cửa, nuôi dạy cho cả ba người con ăn học hết đại học. Ngoài 1 ha đất bằng sẵn có, anh còn mua thêm được một mẫu nương trị giá 700 - 800 triệu đồng.
Na Chi Lăng có hương vị đặc trưng riêng nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Khi vào vụ, rất nhiều thương lái trong nước và người Trung Quốc đến tận vườn đặt mua. Tuy nhiên, để mở rộng hơn thị trường na, anh Lét cho rằng mình và bà con nông dân huyện Chi Lăng phải nỗ lực hơn nữa, như: sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được UBND huyện đầu tư hỗ trợ, thực hiện tốt việc xã hội hóa bẫy bả ruồi vàng...
Nếu hàng hóa thông thương như mọi năm, giá na năm nay sẽ cao hơn từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Trước khi Hà Nội giãn cách, giá na đang khoảng 45.000 đồng/kg nhưng sau giãn cách, giá đã giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg (nếu na đẹp, to mới được giá 35.000 - 40.000 đồng/kg). Na Chi Lăng được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó tập trung ở các tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình...
Để thay đổi tình hình, anh và nhiều hộ kinh doanh khác tham khảo hình thức bán hàng online thông qua sàn thương mại điện tử từ tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, thực tế, 90% hộ nhà vườn ở Chi Lăng không bán được do bận thu hái suốt ngày, không có thời gian đóng những gói na do đơn đặt hàng nhỏ (1 - 3kg)...
"Bán buôn cho khách dưới xuôi lên lấy thì thuận lợi hơn. Hơn nữa, nhà tôi vừa bận thu hái vụ chính, vừa thụ phấn vụ gối nên không có thời gian bán online. Để đầu tư bán qua sàn thương mại điện tử thì mình lại phải trực tiếp bán mới được", anh nói. Do đó, vấn đề chuyển đổi số được anh Lét lưu tâm thời gian tới.
Để gỡ khó cho người dân, chính quyền huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung luôn tạo điều kiện cho thương lái lên lấy buôn. Anh Lét kể trong những ngày Hà Nội giãn cách, lãnh đạo huyện đã cử người ra tận trạm chốt để kiểm tra giấy tờ, phiếu test nhanh Covid-19 của khách đến lấy hàng nhằm đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện còn không ngừng quảng bá hình ảnh, thương hiệu của na nhằm thu hút khách hàng, giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận và bán hàng hơn.
Sắp tới, anh Lét dự định sẽ bổ sung kỹ thuật canh tác, giữ cho cây na khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Về mở rộng thị trường tiêu thụ, nhóm nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của anh đang đi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật để áp dụng đạt được sản lượng sạch, đưa na vào siêu thị tiêu thụ mới được giá cao hơn. Anh cũng sẽ tìm ra giải pháp cải thiện chăm bón cây để giảm bớt các quả bé, tăng những quả lớn đồng đều thì sản lượng mới tăng cao.
Thanh Thư - Hải My
Ảnh: Huyện Chi Lăng