7h ngày 9/4, bà Hoàng Thị Sương (65 tuổi, xã Quảng Thọ) ra đồng nhổ cỏ, cắt rau má. Gần một tuần qua, khác với trước đây, thay vì nhập rau cho thương lái, bà giờ cắt để cá trắm cỏ ăn. Mỗi ngày 60-70 kg.
Trước khi dịch nCoV xảy ra và lệnh cách ly xã hội được công bố, với 5 sào rau má, mỗi ngày bà Sương cắt một tạ rau bán cho thương lái với giá 6.000 đồng/kg. Từ 1/4, bà không thể bán khi thương lái ngừng nhập rau do nhà xe không hoạt động, quán xá đóng cửa.
"Ruộng rau má được xem là "nồi cơm" của chúng tôi. Tuy nhiên, cả tuần nay nhiều người không ra đồng cắt rau má không biết bán cho ai", bà nói.
Cách đó khoảng 100 m, thay vì chăm rau má như mọi ngày, vợ chồng anh Hoàng Trọng An (53 tuổi, xã Quảng Thọ) lại bón phân, cuốc đất trồng đu đủ. Trước Covid-19, với 7 sào rau má, mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 400.000 đồng. Tuy nhiên, một tuần nay, rau không bán được anh đành cắt cho cá ăn.
"Rau má để già không cắt cũng hư nên hàng ngày tôi đều cắt gần một tạ cho cá ăn. Nếu tình trạng này kéo dài, không biết 7 sào rau má sẽ thế nào nữa", anh An nói.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, xã được xem là vựa rau má lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích hơn 60 hecta. Đa số rau má được người dân chuyển vào TP Hồ Chí Minh, ra Bắc, sang Lào tiêu thụ.
"Hiện nay, mỗi ngày người dân cắt bỏ 5-6 tấn rau má do không tiêu thụ. Hàng ngày các khu cách ly tập trung của quân đội có đặt mua rau má giúp bà con song số lượng không đáng kể khi diện tích rau má toàn xã quá lớn", ông Phong nói.
Võ Thạnh