Những ngày này, ông Huỳnh Đăng Khôi (60 tuổi, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) hàng ngày lên đồi thu hái những quả sim chín trĩu cành. Đây là thành quả đầu tiên sau hai năm ông đưa các gốc sim về trồng thử nghiệm trên ngọn đồi rộng 4 ha trong trang trại của mình.
Ông Khôi chia sẻ, trước đây sim mọc hoang dại khắp núi đồi, đến mùa trái chín thì người dân địa phương lên rừng hái về ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây cây keo tràm được trồng nhiều khiến sim dần khan hiếm.
“Cây keo trồng đến đâu thì tất cả những loại cây sống phía dưới bị lụi tàn. Hơn nữa sau mỗi đợt thu hoạch người dân đốt cành lá để tái sản xuất, cách làm này đã ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có cây sim”, ông Khôi nói.
Do khan hiếm dần, từ loại quả hoang dại, sim trở thành mặt hàng được ưa chuộng ở Quảng Nam; giá bán dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi kg.
Nhận thấy tiềm năng của cây sim, hai năm về trước, ông Khôi lên rừng tìm kiếm, đào được 300 gốc đưa về trồng thử nghiệm.
Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, khi bứng sim về trồng ông Khôi chỉ đào lấy phần gốc và thân cây nên tỷ lệ sống rất thấp; về sau ông đào nguyên bụi sim để mang cả bầu đất về trồng, cách làm này giúp tỷ lệ cây sống gần 100%.
Khác với ngoài tự nhiên, sim trồng được ông Khôi tưới nước, bón thêm phân nên phát triển rất nhanh. Khoảng 100 cây sim sống sót đã cao gần một mét, tỏa tán rộng hơn 2 m2, trên cành quả mọc chi chít. Ông ước tính mỗi cây cho thu hoạch từ một đến ba kg quả chín.
“Cây sim ưa sáng nên trồng ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây quang hợp tốt hơn. Loại cây này sống ở đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ngoài tưới nước và bón phân thì tôi hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu”, ông Khôi chia sẻ.
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, ông Khôi thuê máy múc đào hố, cải tạo đất đồi để dự kiến tháng 8 tới đây khi mùa mưa bắt đầu, ông sẽ trồng đại trà cây sim với khoảng 10.000 bụi.
“Hiện cây sim chưa có ai ươm giống, muốn trồng thì tôi phải thuê đào ngoài tự nhiên với giá khoảng 15.000 đồng mỗi gốc, tổng kinh phí đầu tư lần này khoảng 200 triệu đồng. Dự tính sau hai năm chăm sóc, mỗi cây thu khoảng 20.000 đồng thì hòa vốn”, ông Khôi nói.
Theo người dân địa phương, đặc điểm của sim là trồng càng lâu thì cành càng phát triển, cho quả nhiều hơn; đến lúc cây già cỗi, trái ít thì cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi và sau đó cho quả nhiều trở lại.
“Cây sim ra hoa vào mùa xuân, đến hè cho thu hoạch. Loại cây này thời gian quả chín kéo dài gần một tháng, chín đến đâu thu hái đến đó nên không sợ hư hỏng”, ông Khôi nói.
Để gia tăng giá trị trái sim, mới đây ông đã vào Phú Quốc học hỏi cách chế biến rượu sim và làm mật sim, tạo ra những sản phẩm đầu tiên phục vụ khách đến trang trại tham quan.