Sáng 15/10, bất chấp nước lũ vẫn còn cao ngang bụng, bà Mai Thị Tiến (62 tuổi, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cùng chồng mặc áo mưa, dìu nhau vượt qua đoạn ngập để ra vườn rau nằm giữa sông Cầu Đỏ và sông Cẩm Lệ.

Bà Tiến loại bỏ phần lá úa, giữ phần rau xanh mang bán. Ảnh: Nguyễn Đông
Vườn rau muống non gieo bằng hạt bị ngâm nước, lá bắt đầu úa. Bà Tiến vơ từng nhúm đưa lên ngang tầm mắt rồi cào đi phần lá úa phía dưới, sau đó bó lại. "Tôi sợ nước lũ kéo theo bùn đất và rác, vùi lấp hết vườn rau. Thôi đành nhổ non, vớt vát được chừng nào hay chừng đó, mang bán lấy tiền đong gạo ăn", bà nói.
Nhổ hết cả một vệt khoảng 5 m2, bà Tiến mới gom được ba bó rau, bán được 60.000 đồng. Đã quen với cảnh đồng rau ven sông bị ngập vào mùa mưa, song bà cho biết trước đây một ngày là nước rút, còn năm nay ba ngày vẫn ngập sâu.
La Hường là vựa rau sạch của TP Đà Nẵng, diện tích 7,5 ha. Chủ vườn phải cam kết không mang phân gia súc, gia cầm tươi hay phun thuốc diệt cỏ trên ruộng.
Sau đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 10/10 đến nay, những luống mồng tơi, cải, dền ở nơi cao bị dập nát; những giàn mướp, bí xanh do gốc ngâm trong nước dài ngày, lá bắt đầu úa vàng. Nhiều luống rau cải mới trồng bị lũ cuốn bật gốc.
Làng rau sạch La Hường tan hoang sau đợt ngập 3 ngày. Video: Nguyễn Đông
Cạnh vườn rau muống của bà Tiến, ông Trần Trọng Luận, 68 tuổi, nhặt từng nhúm rau cải mới cao chừng 3 cm bị dập lá, bật gốc. Hai tuần trước, thấy trời nắng ráo, ông Tiến cào đất, xuống giống cải cho 5 luống rau. Nhưng nay nhìn từ xa, diện tích này chỉ toàn màu đất.
"Nếu không bị mưa lũ, mỗi luống rau tôi thu hoạch một triệu đồng. Giờ đành để rau chết theo lũ", ông Tiến nói. Vườn rau của ông rộng gần 1.500 m2, giờ chỉ còn vài luống rau lang là có thể thu hoạch. Nhưng ông chị cắt một bó về nhà luộc bữa trưa, vì mấy ngày nay "lội nước quá mệt mỏi".

Vườn rau cải của ông Luận bị dập nát. Ảnh: Nguyễn Đông
Sáng nay, ông Mai Văn Toàn, 60 tuổi, cùng vợ ra vườn thu hoạch mướp. Gia đình trồng 7 sào mướp hương, 2 sào mồng tơi, 3 sào rau lang, nhưng đến nay chỉ còn số mướp trên giàn là có thể vớt vát được chút ít.
Hơn hai tiếng lội bùn giữa giàn mướp, ông Toàn cắt được 40 kg. "Cả vườn chỉ còn ngần này, không mót thêm được nữa. Nhiều giàn mướp đang ra hoa, kết trái hư hại hoàn toàn", ông Toàn nói. Lo nước sông đang lên nhanh, hái xong một thùng mướp, ông giục vợ về tránh ngập sâu.
Trung bình mỗi ngày vườn rau của ông Toàn thu hoạch khoảng một triệu đồng, trừ chi phí thì lãi khoảng 800.0000 đồng. Còn hai ngày nay ông lội nước đi cắt từng quả mướp, mang đi chợ bán được 200.000-300.000 đồng. "Nếu không thu hoạch nhanh, nước rút, cây cũng héo và chết vì úng", ông Toàn giải thích.
Để hái mướp an toàn trong nước lũ, ông Toàn nghĩ ra cách mang thùng xốp để nổi trên nước. Mướp cắt xong sẽ được bỏ ngay vào thùng, đẩy qua vùng bị ngập. Nhiều nông dân cùng đi mót rau được ông Toàn cho mượn thùng xốp, nhờ vậy mới nhanh chóng đưa rau ra khỏi vùng ngập hàng trăm mét.

Ông Toàn cùng vợ mang thùng xốp đi cắt mướp, cả buổi sáng được 40 kg/7 sào. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, từ ngày 12/10 đến 7h30 ngày 15/10, tổng lượng mưa ở Đà Nẵng phổ biến 700-900mm. Mưa lũ đã làm ngập 28 ha rau màu, trong đó quận Cẩm Lệ ngập 12 ha, Hòa Vang ngập 13 ha.
Đây là trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày nhất tại Đà Nẵng từ trước đến nay, khiến 48/57 xã, phường ở thành phố bị ngập, có nơi sâu đến 1,5m. Đến sáng 15/10, một số khu vực dân cư ở quận Liên Chiểu, Hòa Vang, Thanh Khê còn ngập khoảng 0,3-0,5 m. Trời còn mưa, nước sông đang lên.