Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới", diễn ra sáng 19/12 tại Hà Nội. Sự kiện là điểm hẹn kết nối giữa cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam với các nhà khoa học hàng đầu quốc tế trước thềm lễ trao giải Khoa học công nghệ VinFuture.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao việc các nhà khoa học thế giới hội tụ tại Việt Nam cùng thảo luận về những chủ đề khoa học thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của con người.
Theo thứ trưởng Duy, để thúc đẩy kinh tế và giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và "chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được".
Ông cho biết, tại Việt Nam, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Vì vậy ông kỳ vọng những sáng kiến mang tính đột phá, từ giải thưởng VinFuture và chuỗi sự kiện có thể kết nối cộng đồng khoa học thế giới và Việt Nam, thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại.
Theo GS Pamela Ronald, Khoa bệnh học thực vật và Trung tâm bộ gene tại Đại học California, Davis, hiện đã có các giống mới được cải thiện tính trạng để có năng suất cao và chống chịu sâu bệnh. Trong đó phát minh giống lúa mang gene chịu ngập sub1 đang được hơn 6 triệu nông dân ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal đưa vào trồng trọt. Dự án do nhà khoa học David Mackill và cộng sự tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) thực hiện, tạo được giống lúa có khả năng chịu ngập trong khoảng gian 2 tuần, trong khi giống khác chỉ chịu 3 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những khám phá cơ bản về gene lúa sub1 liên quan tới việc điều hòa phản ứng miễn dịch ở lúa trong tình trạng ngập nước và đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene có tính chịu ngập vượt trội, đồng thời không ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất hay chất lượng hạt gạo. "Giống có gene sub1 có sản lượng cao hơn 45% so với thông thường, khi ngập lụt xảy ra mùa màng không lo bị mất trắng, mang lại lợi ích cho nông dân", GS Ronald cho biết.
TS Van Schepler-Luu, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), gợi ý phát triển giống lúa kháng bệnh bằng cách điều chỉnh hệ gene nhằm can thiệp gene trong cây trồng có khả năng chống chịu bệnh tật. Theo bà, công nghệ này được ứng dụng cải thiện hiệu suất trồng trọt, như kết hợp giống cây cùng loại để có loài mới cải tiến, hay lai ghép với hai giống gần nhau để có dòng mới hoặc làm biến đổi gene.
Bà cho rằng, trong tương lai sẽ cải tiến cả những giống bản địa như dùng tia phóng xạ, và các hình thức biến dị qua hóa học vật lý khác và lai tạo cấy gép để chuyển gene có lợi từ thực vật này sang thực vật khác, hoặc hiệu chỉnh hệ gene để tạo ra mang ADN bản địa. Theo Van, các mô hình kháng bệnh hiệu quả bằng sử dụng công nghệ giúp xây dựng mạng lưới nhằm dự báo và điều chỉnh mô hình canh tác phù hợp.
Theo đó "cần xây dựng các quy chế cho phép cây trồng biến đổi gene để dễ dàng sử dụng các loại cây có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt này" bà nói. Ban đầu, có thể chuyển giao mô hình nhỏ, các hộ gia đình rồi mở rộng hơn.
Tương lai của nông nghiệp chính xác
Ngoài việc tạo ra những giống lúa có tính trạng tốt, gạo ngon, chống chịu sâu bệnh, ngập úng và năng suất cao, GS Josse De Baerdemaeker, KU Leuven, Bỉ đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ nông nghiệp chính xác.
Ông gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp, có thể sử dụng cảm biến thu thập dữ liệu từ vệ tinh, thiết bị bay không người lái hay gắn trên đồng ruộng để có dữ liệu chính xác.
Theo GS Josse, mô hình giúp người dân quản lý các dữ liệu về đất, giống cây phù hợp với khí hậu địa phương, có thể đưa ra mô hình hoá theo không gian thời gian để có phương án xử lý trước những khủng hoảng.
GS Josse kỳ vọng người dân không chỉ ứng dụng cách canh tác mới mà họ có thể trở thành những người thu thập, cung cấp, dữ liệu từ đất, sự sinh trưởng cây trồng, bệnh hại, đa dạng sinh học theo thời gian thực. Từ dữ liệu này có thể xác định đâu là tập quán tốt, đâu là giống cây nên trồng năm sau. "Đây là cách để có nền nông nghiệp thông minh chính xác", nguyên Chủ tịch EurAgEng, Hiệp hội Nông nghiệp kỹ thuật châu Âu nói.
Các chuyên gia cho rằng mô hình thực tế giúp người dân học và làm theo. Theo TS Van, các nhà khoa học hiểu và tìm khả năng và năng lực chống chịu của cây trồng, thông qua điều chỉnh bộ gene mới, dự đoán khả năng xảy ra dịch bệnh mới, từ đó mới chuyển mô hình canh tác cho người nông dân.
Còn GS Jennifer Tour Chayes, Đại học California, Berkeley gợi ý tạo ra nền tảng, ở đó AI là nhân tố phía sau để thu thập dữ liệu. Song ông nhấn mạnh nền tảng "ít code", thân thiện và dễ dùng để người dân có thể tiếp cận được.
Tại sự kiện, sau khi lắng nghe các gợi ý, từ dưới hội trường 1 startup đặt câu hỏi về việc làm thế nào để phát triển được mô hình trí tuệ nhân tạo và IoT vào thực tế. Theo vị đại biểu này, chỉnh sửa bộ gene và canh tác chính xác (cung cấp đủ lượng dinh dưỡng và nước) là tương lai của ngành nông nghiệp nhưng ở Việt Nam việc canh tác thô sơ vẫn nhiều. Để ứng dụng vào thực tế thì rủi ro cao vì người dân đang canh tác thủ công. Làm thế nào khi chưa có một nền hạ tầng đủ tiên tiến? Muốn thực hành nông nghiệp chính xác thì đâu là tín hiệu tốt để những người cung cấp giải pháp có thể thâm nhập vào thị trường.
Trả lời câu hỏi này, GS Josse De Baerdemaker, Ku Leuven cho rằng, những người làm công nghệ cần chỉ cho người dân thấy lợi ích và cách làm. Còn việc tiền ở đâu thì chính phủ cũng cần có hoạt động khuyến nông hiệu quả. Tuy nhiên nếu vấn đề đầu tiên là làm thế nào để người dân làm theo?, ông khuyên có mô hình hiệu quả cụ thể, người dân sẽ áp dụng chứ không đơn thuần chỉ giới thiệu công nghệ. "Nếu chỉ ra được những người làm trước, có thực tiễn và thu nhập tăng lên, khi đó chắc chắn sẽ có nhiều người học làm theo", ông nói.
GS Josse nói thêm, người nông dân ở nước thu nhập thấp hoàn toàn có thể tiếp cận được công nghệ. Dẫn ví dụ nông dân Bỉ có cách truyền thống canh tác là thuyết phục nhau để cùng dùng một hệ thống tính toán, cách quan sát theo dõi. Người dân tương tác rất tốt, họ quan sát đồng ruộng và hiểu rõ nếu dùng thuốc trừ sâu ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất đai thổ nhưỡng họ sẽ không dùng nữa. "Họ thống nhất cách làm trong cả khu vực rộng lớn", ông gợi mở.
Tại toạ đàm, các nhà khoa học cũng chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm đối với Việt Nam, trong đó có việc phát triển loại giống lúa có gene chịu ngập vẫn cho năng suất cao. GS Pamela Ronald cho hay, ngoài gene chịu ngập còn có gene cao sản và kháng bệnh, các nhà nghiên cứu cần kết hợp các loại gene này lại với nhau để có giống lúa mới nhưng vẫn giữ được các ưu điểm của giống lúa bản địa. Bà cho hay đã tới thực nghiệm tại cánh đồng ở Việt Nam, Bangladesh, sẽ tiếp tục kết hợp với dữ liệu và các chuyên gia cùng hợp tác giải quyết các vấn đề.
Như Quỳnh