Sau thời gian dài trồng trái cây nhưng liên tục "được mùa mất giá", ông Nguyễn Ngọc Minh (Mộc Hóa, Long An) quyết định chuyển đổi mô hình sang nuôi thỏ thương phẩm từ năm 2020. Bắt đầu chỉ với 10 con thỏ giống, sau hai năm, trang trại của ông hiện nuôi đến hơn 1.000 con, trong đó có hơn 100 con thỏ sinh sản.
Đối với nhiều nông dân vùng biên giới như ông Minh, thỏ là vật nuôi còn mới mẻ. Vì vậy, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ thông qua internet và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả khác. Sau thời gian thực hiện mô hình, nhận thấy việc nuôi thỏ khá đơn giản, có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định nên mạnh dạn mở rộng đầu tư.
Ông Minh chia sẻ: "Nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng muốn thành công cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo từng lứa tuổi".
Thỏ mẹ sinh sản một lứa 6-8 con. Thỏ con được một tháng tuổi là có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng ba tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng 2 - 2,5kg là có thể bán. Bình quân mỗi tháng, trang trại của ông Minh cho xuất chuồng 100-200 con thỏ thương phẩm với giá bán dao động 70.000-75.000 đồng mỗi kg. Sau khi trừ chi phí, chủ trang trại có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Mô hình nuôi thỏ của ông Minh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương.
Tương tự là mô hình nuôi dê thương phẩm của anh Huỳnh Duy Hưởng (Châu Thành). Trước đây, với 0,7 ha đất ruộng, anh Hưởng trồng thanh long ruột trắng nhưng do cây già cỗi, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Anh quyết định đầu tư nuôi thêm dê vì vốn đầu tư thấp, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn để làm việc khác, đặc biệt giá bán khá cao so với các vật nuôi khác.
Năm 2018, anh vay vốn, xây chuồng trại và mua 6 dê giống về nuôi. Sau hơn ba năm, đàn dê của anh hiện tăng lên hơn 50 con (gồm con thịt và con giống). Anh Hưởng cho biết, trang trại dê có diện tích trên 100 m2 với giống dê chính là Boer lai và Bách Thảo. Dê con nuôi 10-11 tháng tuổi, cân nặng 35-40kg là có thể xuất chuồng. Mỗi quý, anh xuất bán 5-6 con dê thịt, giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng mỗi kg, thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh tận dụng nguồn phân dê, cỏ thừa của dê để bón cho cây thanh long.
Theo anh Hưởng, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc tính của từng loài dê thì việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình nuôi rất quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn, tất cả đều phải có kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết. Quá trình nuôi không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tẩy giun sán định kỳ và tiêm đầy đủ các loại thuốc phòng bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi.
Trong khi đó, mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá của anh của anh Lê Văn Chinh (Thị xã Kiến Tường) mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ban đầu, anh Chinh trồng rau thủy canh đơn lẻ. Sau này, qua tìm hiểu trên mạng về Aquaponics - mô hình kết hợp giữa Aquaculture (nuôi thủy sản tuần hoàn) và Hydroponics (trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín), nên anh quyết định đầu tư. Theo đó, nước từ bể cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải trong bể cá thành dinh dưỡng cho cây trồng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về bể cá.
Anh đầu tư chi phí ban đầu khoảng 120 triệu đồng với diện tích canh tác 300 m2, chủ yếu trồng các loại rau: cải, tần ô, xà lách. Sau một thời gian canh tác, gia đình anh có thu nhập ổn định hàng tháng. Theo anh Chinh, hiện nay, người tiêu dùng lo ngại về thực phẩm không an toàn, vì vậy, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.
"Các loại rau này không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Với giá bán sỉ cho các đầu mối khoảng 25.000 đồng mỗi kg, cộng thêm nguồn thu từ nuôi cá, mỗi tháng, gia đình tôi lãi từ 12 đến 15 triệu đồng", anh Chinh chia sẻ.
Ngoài các mô hình, trên địa bàn tỉnh Long An, nông dân cũng đưa ra nhiều sáng kiến, áp dụng nhiều phương pháp nuôi trồng mới, sử dụng công nghệ cao trên nông sản, thủy sản nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, địa phương chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản...
Hoài Phương