6h sáng 23/8, bà Trần Thị Ánh, 52 tuổi, đeo kín khẩu trang, đạp xe chở theo cuốc ra cánh đồng rau của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Tiêu thị rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Khác với cảnh tíu tít chuyện trò như trước, mọi người hô to chào nhau vì "ai làm ở phần vườn nhà đó".
Hơn một sào trồng rau của bà Ánh đã được thu hoạch xong hôm qua. "Nếu không được ra đồng chắc rau đã hỏng sau một tuần. Hôm nay tôi cuốc cho sạch cỏ, phơi khô để chuẩn bị đất trồng vụ mới", bà nói và cho biết làm đến 9h là phải về vì hết giờ ra đồng, chưa xong việc thì mai làm tiếp.

Bà Trần Thị Ánh làm cỏ tại vườn rau, sáng 23/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Người dân vùng trồng rau sạch Túy Loan được chia 4 ca ra đồng một ngày, từ 4h đến 19h, mỗi ca 3 tiếng. Mỗi hộ chỉ được cử một người đi chăm sóc hoặc thu hoạch và mỗi ngày chỉ được ra đồng một lần. "Buổi sáng và chiều tối là những hộ làm rau. Buổi trưa là các hộ đi thu hoạch mè vì cần nắng để phơi", bà nói.
Cách đó 30 m, ông Nguyễn Đấu (76 tuổi), ngồi một góc để vận hành hệ thống máy bơm. Vợ ông, bà Lê Thị Lanh (73 tuổi), tay thoăn thoắt cắt rau dền giao cho Hợp tác xã. "Vợ không thạo việc mở máy bơm nên tôi đi cùng", ông Đấu nói, phân trần việc hộ nhà mình có hai người ra đồng.
Vợ chồng ông Đấu có gần 3 sào trồng rau, ớt. Khi thành phố yêu cầu người dân "không ra khỏi nhà" từ 8h ngày 16/8, ai cũng chấp hành, nhưng lo lắng cho những luống rau không được tưới sẽ héo chết vì đang nắng nóng.
"Ngày hôm sau, chúng tôi được chính quyền tạo điều kiện, phát thẻ ra chăm sóc rau, ai cũng mừng", ông Đấu kể. Ra tới vườn, ông thấy một phần rau đã héo lá. Giống ớt vốn để bán xanh cho người dân ăn mì Quảng, nay nhiều quả đã chín, nhưng ông không hái vì đang cách ly xã hội, ớt tiêu thụ chậm.

Ông Đấu giơ giấy xác nhận được ra đường để đi làm đồng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo ông Đấu, người dân Đà Nẵng không kể từ thành thị đến nông thôn đã nắm rõ quy định về phòng chống dịch Covid-19, sau nhiều lần thành phố phải cách ly xã hội vì có nhiều ca lây nhiễm. "Dù việc làm đồng ít nhiều bị ảnh hưởng, chúng tôi ủng hộ chủ trương của thành phố", ông nói.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, cho biết toàn huyện có 42 ha trồng rau và nay đã vào cuối mùa thu hoạch, chỉ còn tập trung ở vùng rau Túy Loan, do có hợp tác xã làm đầu mối thu mua để tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch.
Vùng rau sạch Túy Loan có 6 ha rau và khoảng 10 ha mè đang độ thu hoạch. Do đó khi thành phố thực hiện "người dân ở yên trong nhà" để chống dịch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã kiến nghị với chính quyền và được lãnh đạo thành phố thống nhất cho người dân được ra đồng làm việc.
"Chúng tôi đã phối hợp với xã Hòa Phong để phân lịch cụ thể cho 37 hộ canh tác tại vườn rau, cấp thẻ ra đường để công an kiểm tra khi đi qua các chốt kiểm soát. Người dân chỉ được đi từ nhà ra vườn và ngược lại, giữ khoảng cách. Những ngày qua người dân chấp hành tốt", ông Ca nói.

Các hộ dân ở Túy Loan ra chăm sóc và thu hoạch rau tối đa 3 tiếng/ngày. Ảnh: Nguyễn Đông.
Huyện Hòa Vang, vùng nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng, còn 2.030 ha trồng lúa vụ hè thu. Một số diện tích ở xã Hòa Liên, Hòa Phước đã bắt đầu chín. Ông Ca cho biết, trong thời gian người dân không ra khỏi nhà, cán bộ kỹ thuật và thủy nông vẫn thường xuyên đi kiểm tra tình hình sâu bệnh và thủy lợi để đảm bảo cây lúa phát triển tốt.
Huyện đã lên phương án các máy gặt tuốt liên hợp và xe công nông sẽ thu hoạch, vận chuyển lúa về tận nhà cho người dân (có thu phí). Chính quyền các xã sẽ khảo sát từng cánh đồng, khu vực nào lúa được thu hoạch thì báo cho người dân và mỗi hộ được cử một người ra đồng để giám sát, trả tiền máy gặt, vận chuyển.
Trong ngày 23/8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 152 ca Covid-19, riêng huyện Hòa Vang là 13 ca, nâng tổng số ca mắc qua 8 ngày thành phố thực hiện "nhà cách ly với nhà" lên 1.121. Cộng dồn từ ngày 4/5 đến nay, thành phố ghi nhận 3.246 ca, hiện 1.765 bệnh nhân điều trị.