Dù còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến ứng viên Hội đồng quản trị, nhưng sau 5 giờ làm việc căng thẳng, tất cả các tờ trình đã được thông qua. Các thành viên Hội đồng quản trị Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 cũng đã được cổ đông bầu theo tỷ lệ phiếu khá cao.
Theo đó, ông Dương Công Minh có hơn 3 tỷ phiếu bầu (tương đương 198,3% ). Ông Nguyễn Miên Tuấn có hơn 1,1 tỷ phiếu bầu (chiếm tỷ lệ 72,5%). Ông Kiều Hữu Dũng có hơn một tỷ phiếu bầu (chiếm tỷ lệ 66,42%). Ông Phạm Văn Phong có khoảng 999 triệu phiếu bầu, tương đương 65,45% và ông Nguyễn Xuân Vũ có hơn 999 triệu phiếu bầu, tỷ lệ 65,5%.
Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank diễn ra sáng nay với sự tham dự của các cổ đông và ủy quyền đại diện 83,48% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tính đến 8h30.
Ngay khi bắt đầu đại hội, ban tổ chức đã tiến hành việc bầu cử 6 ứng viên vào Hội đồng quản trị và 4 ứng viên vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.
Nhân sự dự kiến cho Hội đồng quản trị gồm 6 thành viên. Theo đó, danh sách ứng cử gồm ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch LienVietPostBank, Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank, Nguyễn Miên Tuấn - Phó chủ tịch Sacombank, Nguyễn Xuân Vũ - Phó tổng giám đốc Sacombank, Phạm Văn Phong - Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đắk Lắk và bà Lê Thị Hoa - thành viên HĐQT Vietcombank.
Sau khi ông Phan Huy Khang đọc tên các ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 để Đại hội đồng cổ đông bầu chọn, các cổ đông đã lên tiếng phản ứng mạnh.

Ban chủ toạ Đại hội cổ đông Sacombank sáng 30/6. Ảnh: Lệ Chi.
Một cổ đông nam đã phản ứng với ứng viên Dương Công Minh - Chủ tịch Him Lam khi cho rằng ông Minh đang vướng vào nhiều vụ lùm xùm liên quan đến sân golf Tân Sơn Nhất. "Chúng tôi sợ rằng, việc đưa ông Minh vào bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị Sacombank sau này sẽ bị ảnh hưởng đến ngân hàng", ông nói.
Còn cổ đông Lê Thị Cúc, đang nắm giữ khoảng 600.000 cổ phần Sacombank cũng cho biết không muốn tiến hành bầu nhân sự mới, bởi bà đã mất niềm tin vào ban lãnh đạo sau khi bầu ông Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch Sacombank nhiệm kỳ vừa rồi thì hoạt động của ngân hàng những năm qua đi xuống mạnh.
Trong phần đối đáp, một cổ đông đề nghị ban chủ toạ làm rõ trách nhiệm của ông Trầm Bê trong thời gian tham gia Hội đồng quản trị Sacombank nhiệm kỳ trước khiến ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Ngoài ra, bà cũng thắc mắc liệu ông Đặng Văn Thành - được xem là cha đẻ của Sacombank có quay lại ngân hàng hay không? Bởi bà cho biết rất tin tưởng ông Thành, nếu có sự góp sức của ông Thành thì Sacombank sẽ sớm vượt qua được khó khăn và phát triển.
Liên quan đến ứng viên Dương Công Minh - Chủ tịch Him Lam, bên cạnh những luồng ý kiến lo ngại thì cũng có cổ đông ủng hộ. Một cổ đông lớn tuổi cho rằng, đánh giá ứng viên thì phải nhìn vào năng lực. Ông Minh đã thể hiện năng lực qua việc điều hành phát triển Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và đưa nhà băng này phát triển mạnh.
Trong khi đó, việc sân golf Tân Sơn Nhất là việc khác nên theo ông không nên đánh đồng. "Tôi đồng ý việc ông Dương Công Minh trong Hội đồng quản trị", ông nói.
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Sacombank chia sẻ sau thảo luận rằng, sự tham gia của ông Dương Công Minh vào HĐQT sẽ bổ sung năng lực cho Sacombank về khả năng xử lý tài sản bất động sản cũng như mảng bán lẻ. Còn các nhân sự đến từ Vietcombank thì sẽ bổ sung về quản trị điều hành.
Ông hy vọng, với ban quản trị mới và sự đồng lòng của cổ đông thì sẽ cùng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu của Sacombank. "Dù là ai, như thế nào thì tôi cho rằng tất cả đều chung một mục đích là đưa Sacombank phát triển mạnh", ông nói.

Ông Dương Công Minh tại đại hội sáng nay.
Ông Dũng cũng cho rằng, Sacombank gặp rất nhiều khó khăn sau sáp nhập. Nhưng giai đoạn 2012 - 2014 lợi nhuận đều tăng trưởng. Từ năm 2015, nếu loại trừ phần trích lập từ gánh nặng Ngân hàng Phương Nam thì lợi nhuận của Sacombank vẫn ở mức cao. Đơn cử như 6 tháng đầu năm nay nếu tách ra và không phải trích lập dự phòng thì lợi nhuận Sacombank khoảng 3.000 tỷ đồng. Chi nhánh của Sacombank đều làm ăn có lãi, có uy tín trên địa bàn.
Chủ tịch Sacombank cũng chuyển lời của Trầm Bê xin lỗi cổ đông "vì chúng tôi đã đi chệch đường".
"Dù muốn hay không, chúng tôi cũng thành thật xin lỗi cổ đông. Chúng tôi đã cố gắng nhiều nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông", ông Dũng nói.
Bên cạnh việc bầu nhân sự, nhiều vấn đề quan trọng khác như thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, kết quả kinh doanh, cổ tức... cũng sẽ được bàn trong đại hội lần này.
Năm 2016, do Sacombank chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên nên mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm này chưa được trình để các cổ đông phê duyệt.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết năm 2016 là năm đầu tiên từng bước triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập, với mục tiêu ổn định và tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hệ thống mạng lưới sau sáp nhập được mở rộng, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt. Vì vậy, khối lượng và áp lực công việc trong công tác quản trị ngân hàng diễn ra tương đối lớn.
Do đó, HĐQT ngân hàng trình đại hội thông qua mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2016 bằng 50% mức chi của năm 2015, tương ứng với số tiền là 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo nhà băng cũng trình các cổ đông thông qua mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS năm 2017 là 18 tỷ đồng.
Năm 2017, Sacombank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%; trong đó cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ, tăng 18%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 585 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 1%.
Về kế hoạch sử dụng vốn, ngân hàng dự kiến chi ra gần 12.800 tỷ đồng. Trong đó, 356 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định; 500 tỷ đồng bổ sung vốn, thành lập mới ngân hàng, công ty con và góp vốn mua cổ phần; 11.942 tỷ đồng còn lại đưa vào kinh doanh sinh lời.
Lệ Chi