Ngày 9/8, TS.BS Nguyễn Tạ Quyết, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bình Dân, cho biết khối u đoạn cuối ống mật chủ xâm lấn tụy, đường kính 4 cm, gây tắc mật. Mổ là phương pháp điều trị duy nhất để loại bỏ khối u ở đoạn cuối ống mật chủ. Đây là phẫu thuật thuộc nhóm phức tạp nhất của đường tiêu hóa, đòi hỏi cao ở tay nghề bác sĩ.
Ống mật chủ là ống nối gan với ruột, dẫn dịch mật từ gan, qua tuyến tụy đổ vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Khi tắc mật, người bệnh diễn tiến viêm gan, viêm tụy và xuất hiện vàng da, vàng mắt tăng dần, nước tiểu vàng, phân nhạt màu và ngứa. Bệnh nhân thường sụt cân, đau bụng vùng trên rốn và dưới sườn phải.
Bệnh nhân chọn phẫu thuật robot cắt khối tá tụy kèm nạo hạch, giúp lấy trọn khối u cùng hạch vùng di căn. Sau cuộc mổ kéo dài 6 giờ, người bệnh được theo dõi và chăm sóc theo chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS) như được uống nước sớm trở lại ở ngày thứ nhất và bắt đầu ăn nhẹ với súp, cháo lỏng ở ngày thứ hai. Ông vừa xuất viện sau mổ một tuần.
Theo bác sĩ Quyết, trước đây người bệnh phải trải qua cuộc mổ mở với đường rạch da kéo dài. Sau này, sự phát triển của phẫu thuật nội soi mang đến nhiều kết quả tốt. Những năm gần đây, phẫu thuật robot mang lại hiệu quả vượt trội, hạn chế các tổn thương mạch máu quan trọng và lấy được tối đa các hạch di căn. Việc khâu nối để tái lập lưu thông cho tuyến tụy, đường mật và ống tiêu hóa cũng chính xác và thuận lợi hơn, giúp giảm biến chứng sau phẫu thuật.
Khám sức khỏe định kỳ và siêu âm bụng có thể phát hiện sớm các khối u ở vùng tụy, tá tràng và ống mật chủ. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đến khám thường ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là một số người dân chưa có ý thức tầm soát sức khỏe định kỳ. Mặt khác, các triệu chứng ban đầu của ung thư vùng này thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Ung thư ống mật chủ nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn chưa tiến triển có thể điều trị triệt để thông qua cắt khối tá tụy, tiên lượng sống sau 5 năm khoảng 75%.
Sau cắt khối tá tụy, người bệnh cần có chế độ ăn uống riêng, giảm chất béo trong khoảng hơn một tháng sau phẫu thuật. Khi đường tiêu hóa đã thích nghi, người bệnh có thể ăn uống như người bình thường.
Trong 3 tháng sau phẫu thuật, người bệnh không nên thực hiện các động tác vận động mạnh như chạy nhảy, khiêng vác nặng để tránh nguy cơ thoát vị.
Lê Phương