Giữa tháng 10, đứng bên vườn sâm Ngọc Linh bị kẻ gian đánh cắp ở xã Măng Ri, anh A Đốc (39 tuổi) tỏ ra buồn bã, chán nản. Khoảng 360 gốc sâm xanh tốt 3-7 tuổi của gia đình sau một đêm chỉ còn bãi đất trống, xơ xác.
Năm 2017, dành dụm được ít tiền, vợ chồng anh A Đốc vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Khu vườn nằm cách đường khoảng 200 m, để bảo vệ vườn sâm, gia đình anh làm hàng rào lưới B40, cắm chông quanh khu vườn, dựng lán trại ở lại để canh gác...
Hai vợ chồng thay phiên nhau trông coi. Vườn sâm phát triển nhanh, họ mừng thầm vì sắp đến ngày thu hoạch sẽ có tiền trả nợ ngân hàng, lo con cái ăn học. Tuy nhiên, bao nhiêu vốn liếng, hy vọng về tương lai của hai người bỗng chốc tan tành khi đầu tháng 9, toàn bộ vườn sâm bị kẻ gian nhổ trộm. Cả vườn chỉ sót lại 3 cây, đất trong rổ nhựa bị xới tung, dấu chân dẫm đạp khắp nơi.
Theo anh A Đốc, 360 gốc sâm Ngọc Linh bị đánh cắp, ước khoảng 20 kg củ. Với giá dao động 150-300 triệu đồng mỗi kg, kẻ gian đã lấy đi của gia đình anh 2-3 tỷ đồng. "Lúc gọi điện thông báo, vợ nghe xong òa khóc mà xót xa", anh A Đốc nói, cho biết thời gian qua trên địa bàn cũng xảy ra nhiều vụ mất sâm.
Thống kê thời gian qua người dân các xã Đăk Na, Đăk Sao, Tê Xăng, Ngọc Lây... bị mất trộm khoảng 800 cây sâm Ngọc Linh (4-10 tuổi), thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Tình trạng trộm sâm Ngọc Linh liên tục xảy ra trên địa bàn làm người trồng luôn nơm nớp lo sợ, tìm cách bảo vệ. Nhiều tháng qua, ông A Toàn (42 tuổi, thôn Long Hy) phải cắt cử người trong gia đình trực, gác, kéo lưới bảo vệ, cắm chông, lắp kẻng báo động ở các lối ra vào để bảo vệ vườn sâm 300 gốc (5-8 tuổi).
"Trước đây thỉnh thoảng tôi có thể rời vườn về nhà ngủ, song nay phải trực 24/24, thậm chí có đêm không dám chợp mắt", anh A Toàn nói, cho biết người dân trong vùng cũng thành lập các tổ tự bảo vệ, thông tin cho nhau khi phát hiện người lạ lai vãng ở trong rừng.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, hơn một năm qua trên địa bàn xảy ra 10 vụ trộm sâm Ngọc Linh, với số lượng bị mất gần 1.300 gốc. Công an huyện vào cuộc xác minh, làm rõ được 5 vụ, trong đó: khởi tố 3 vụ với 5 bị can; một vụ đã xác định được nghi phạm, đang củng cố chứng cứ để khởi tố.
Trước vấn nạn trộm sâm, chính quyền huyện Tu Mơ Rông vận động người dân trồng sâm thành lập thêm các tổ, đội tự bảo vệ, luân phiên trực theo dõi, đặc biệt ở các lối vào, ra vườn sâm. Huyện cũng vận động người dân khai báo số lượng sâm hiện có để tiện theo dõi, quản lý và bảo vệ...
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp công an nắm tình hình các vụ việc mất trộm sâm thời gian gần đây. Qua đó, các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải pháp ngăn chặn.
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở độ cao 1.200-2.000 m nằm trên dãy Trường Sơn, được trồng nhiều nhất ở Quảng Nam và Kon Tum. Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện trồng hơn 1.700 ha sâm. Do chứa nhiều hoạt chất bổ dưỡng và rất quý hiếm, sâm có giá dao động 150-300 triệu đồng mỗi kg. Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.
Trần Hóa