Nokia 3 đánh dấu sự tái xuất của thương hiệu Phần Lan nổi tiếng, sau một thời gian biến mất vì bị Microsoft thâu tóm. Trong lần trở lại này, Nokia cũng như smartphone của hãng đều có nhiều thay đổi, thậm chí, có thể khiến người dùng cảm thấy xa lạ.
Thiết kế
Ngoại hình là điểm duy nhất khiến người dùng Nokia ngày xưa cảm thấy thân thuộc với những nét của điện thoại Windows Phone thương hiệu Microsoft ngày xưa.
Máy có kiểu dáng vuông vắn với bốn góc được bo nhẹ, trong khi hầu hết các smartphone Android giá rẻ hiện giờ đều bo tròn giống kiểu iPhone và Samsung Galaxy. Nokia 3 cũng có 4 phiên bản với nhiều kiểu màu sắc khung viền, mặt lưng để lựa chọn, như trắng bạc, đen xám hay xanh dương đậm, vàng đồng.
Ưu điểm của sản phẩm là cảm giác cầm rất chắc chắn và cứng cáp, dù giá rẻ. Dùng thử thì thấy chất lượng phần cứng tốt hơn nhiều điện thoại cùng tầm tiền trên dưới 3 triệu đồng hiện giờ, thậm chí có thể so sánh được với những mẫu Android tầm trung giá 5 đến 7 triệu đồng.
Nokia 3 có vỏ nguyên khối với khung viền kim loại. Mặt lưng được làm từ nhựa sơn mờ kiểu Polycarbonate như ở Lumia 830 và 930, những model cao cấp trước kia. Chất liệu này hạn chế việc bám dấu vân tay và mồ hôi, nhưng cũng dễ xước với các vật cứng nếu người dùng không chú ý.
Cụm camera chính và đèn flash được bố trí rất gọn gàng. Giắc tai nghe 3,5 mm, microUSB trông sắc sảo, phím âm lượng và phím nguồn đều làm từ kim loại, thể hiện sự chăm chút về thiết kế. Một chi tiết nhỏ khá khó hiểu là chỉ riêng khay đựng thẻ nhớ microSD của Nokia lại có đậm màu hơn hẳn khung viền cũng như khay cắm sim bên cạnh. Có thể sự khác biệt màu sắc nhằm phân biệt giữa khay sim và thẻ nhớ.
Màn hình
Màn hình đẹp là ưu điểm thường thấy ở điện thoại Nokia trước kia dù là model cao cấp hay phổ thông giá rẻ. Nokia 3 duy trì được phần nào nhưng còn những thiếu sót.
Về chất lượng hình ảnh, màn hình của Nokia 3 thuộc dạng tốt trong tầm tiền. Màn hình 5 inch với độ phân giải HD tỏ ra khá sắc nét, màu sắc tươi tắn. Không như những smartphone giá rẻ của Samsung, Nokia 3 vẫn có cảm biến tự động điều chỉnh ánh sáng và sử dụng công nghệ LCD IPS. Nhưng góc nhìn không được rộng và màn hình bị bóng nhiều, hơi khó nhìn ngoài trời. Công nghệ màn hình nổi tiếng ClearBlack Display của Nokia trước kia sẽ khắc phục được điều này.
Thuộc phân khúc phổ thông giá rẻ nhưng màn hình vẫn được bảo vệ bởi kính cường lực Corning Gorilla. Không có cảm biến vân tay, nên Nokia 3 được HMD trang bị dãy phím cảm ứng nằm ngay bên dưới màn hình. Chúng được bố trí như ở Android gốc, với phím Back nằm ở bên trái, ngược với smartphone Android của Samsung và nhiều smartphone Android khác trên thị trường.
Một nhược điểm gây khó chịu ở Nokia 3 nằm ở cảm ứng. Các thao tác vuốt trượt thông thường khi duyệt web, gõ phím ảo nhập liệu chưa để lộ ra nhưng khi chơi game hoặc phải thao tác chạm liên tục và nhiều vào màn hình sẽ thấy điều này. Ví dụ, khi chơi những trò chơi phải giữ và bấm liên tục 2, 3 điểm cùng lúc, cảm ứng bắt đầu bị loạn. Hiện tượng rõ hơn khi người dùng thử nghiệm bằng công cụ kiểm tra màn hình Antutu Tester.
Hiệu năng và tính năng
Xét ở mức giá trên dưới 3 triệu đồng, Nokia 3 không phải là một smartphone yếu. Với chip MediaTek 6737, RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB, cấu hình tốt hơn Samsung Galaxy J3 và ngang những model như Huawei Y5 2017, Motorola C Plus hay Xiaomi Redmi 4a, Asus Zenfone Live. Tuy nhiên, dung lượng pin Nokia 3 chỉ ở mức trung bình, 2.630 mAh, thậm chí thua nhiều một số model cùng tầm tới từ Motorola, Philips.
Ưu điểm đáng để lựa chọn ở smartphone giá rẻ nhất của HMD Global là việc có hệ điều hành Android 7.0 Nougat và lời hứa hẹn sẽ liên tục được cập nhật phần mềm trong tương lai. Trong khi hầu hết các mẫu Android giá rẻ trên dưới 3 triệu đồng đang phải dùng Android bản cũ 6.0 Marshmallow, hoặc thậm chí một vài model Oppo còn phải dùng bản Lollipop 5.1. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ điều hành Android cũng khiến cho Nokia 3 không còn gì giống với những smartphone trước kia của tên tuổi Phần Lan.
Cấu hình khá, hệ điều hành Android mới nhất nhưng tính năng và trải nghiệm thực tế ở Nokia 3 chưa tốt. Sử dụng giao diện nguyên bản từ Google, không có thêm nhiều tiện ích và tuỳ biến nhưng tốc độ phản hồi của Nokia 3 khá chậm, ngay cả với các thao tác đơn giản như mở ứng dụng gọi điện, nhắn tin hay bật bàn phím ảo để nhập liệu cũng thường mất tới 1 đến 2 giây. Hiện tượng giật cũng thường gặp phải khi chuyển đổi ứng dụng, lướt web hoặc vuốt qua lại giữa các trang giao diện.
Bên cạnh việc chưa cải thiện được độ mượt so với các model cùng tầm tiền, việc sử dụng Android gần như nguyên bản còn khiến cho Nokia 3 không có nhiều tiện ích, tính năng mở rộng như Asus Zenfone Live hay Oppo A37, Xiaomi Redmi 4a. Điều này khiến sản phẩm không phải là một smartphone phổ thông có hiệu năng và trải nghiệm tốt.
Camera
Nếu màn hình vẫn gợi nhớ đến những mẫu điện thoại Nokia trước kia thì camera lại không được như vậy. Điều sẽ khiến không ít người tiếc nuối là giao diện và phần mềm chụp hình nổi tiếng trước kia của Nokia, Lumia Camera, vẫn chưa được HMD Global đem trở lại những mẫu Android vừa mới ra.
Sở hữu thông số khá tốt với camera trước và sau đều độ phân giải 8 megapixel, nhưng chất lượng lẫn tính năng của Nokia 3 đều không để lại ấn tượng. Camera chính cho ảnh chụp có màu sắc khá thật, cân bằng ánh sáng ổn nhưng độ chi tiết rất kém. Khi phóng lớn, ảnh cho thấy bị xử lý quá nhiều, giảm chất lượng nên bệt. Trong điều kiện thiếu sáng, Nokia 3 cho chất ảnh khá sáng nhưng độ chi tiết cũng giảm sút và nhiễu.
Nếu như những mẫu Android giá rẻ cùng tầm như Xiaomi Redmi 4a hay, Oppo A37, Asus Zenfone Live vẫn được đầu tư và tích hợp nhiều tính năng chụp hình mở rộng thì ở Nokia 3 lại hạn chế hơn nhiều. Model này chỉ có ba chế độ chụp chính là tự động, làm đẹp chân dung (Beautify) và toàn cảnh Panoroma. Ngoài ra, có thể đặt HDR tự động. Video cũng giới hạn ở độ phân giải HD 720p.
Trong lần tái xuất này cùng với Nokia 3, HDM Global mới đem lại thiết kế gợi nhắc phần nào tới tên tuổi được coi là huyền thoại trong làng điện thoại di động. Còn để nói Nokia đã quay trở lại thực sự thì chưa đúng.
Trên Nokia 3 và cả những smartphone Android như Nokia 5 và Nokia 6, còn thiếu sót nhiều tính năng, phần mềm lẫn công nghệ đặc trưng, nổi tiếng gắn liền với thương hiệu Nokia.