Chiều mát. Tôi và mẹ đang ngồi xếp lại đống quần áo cũ. Bỗng mẹ hỏi tôi:
- Hà này! Có lẽ phải mua cho bà một cái điện thoại. Chứ tính bà không thích ngồi một chỗ. Mỗi khi ra ngoài không biết bà đi đâu, cũng không biết làm sao liên lạc, mẹ không yên tâm.
- Vậy lấy cái máy Nokia 1280 cũ của con ấy! Máy đó vừa bền lại lâu hết pin. Cũng nhỏ gọn nữa, tiện cho bà đem đi.
- Ừ đúng rồi, cái máy đó tính ra cũng rất tốt. Bà cũng chỉ dùng để nghe gọi thôi!
Nhắc đến chuyện này lại làm tôi nhớ về kỉ niệm 4 năm về trước. Kỉ niệm với chiếc Nokia 1280 - chiếc điện thoại đầu tiên của đời tôi!
Tôi còn nhớ hồi đó tôi đang học lớp 8. Vì học trong lớp chọn của trường nên hầu hết thành viên của lớp đều là những cậu ấm cô chiêu học giỏi. Ai ai cũng đều có điện thoại riêng của mình, mà hơn nữa đều là điện thoại cảm ứng thông minh. Trong khi hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó khá là khó khăn. Nhiều khi giờ ra chơi, nhìn các bạn đưa máy ra chơi giả trí một lát mà bản thân tôi thấy cũng rất ghen tị thèm thuồng.
Đến Tết năm đó, cậu tôi ở thành phố về chơi cho tôi một chiếc điện thoại Nokia 1280 cũ của cậu không dùng nữa. Lúc đó, tôi thật sự rất vui, hí hửng đem lên lớp khoe với mấy đứa bạn thường hay chơi là tôi đã có điện thoại riêng rồi, từ giờ mọi người có thể liên lạc với tôi dễ dàng hơn rồi! Nhưng khung cảnh đó đã không vui như tôi tưởng tượng.
Có bạn còn chê rằng: "Trời ơi! Bây giờ là thế kỷ bao nhiêu rồi mà còn dùng cái điện thoại cổ lỗ sĩ này nữa?" Nghe vậy, tôi cũng có một chút chạnh lòng. Nhưng rồi tôi tự trấn an bản thân rằng: "Mình không cần điện thoại cảm ứng hay màn hình rộng. Mình dùng điện thoại là để liên lạc với mọi người chứ có phải để xem phim hay nghe nhạc gì đâu?".
Đến một tuần sau, lớp tôi tổ chức đi dã ngoại ở thác nước 7 tầng tại Quế Phong. Vì đang là mùa hè nóng nực nên được đến đó thật đúng như được lên thiên đường. Cô giáo sau khi đã dặn dò kỹ lưỡng thì chúng tôi được tự do chơi trong khuôn viên quy định và đúng 16h là phải quay mặt lại chỗ cũ để tập trung và đi ăn. Vì chỗ phía trung tâm thác rất đông người nên tôi cùng một nhỏ bạn nữa đi tới mãi cuối đoạn nước nông nơi ít người hơn để chơi cho thoải mái. Mải mê chơi tới nỗi quên cả giờ. Đến khi quá buổi, tôi mới để ý tới đồng hồ thì đã 16h5, tôi mới hoảng hốt nói với nhỏ bạn.
- Thôi chết, trễ giờ rồi. Mau về thôi, không là bị phạt đấy!.
Tôi vừa dứt lời thì chuông điện thoại reo. Tôi lên bờ lấy điện thoại ra xem thì là cái Trang gọi. Kiểu này chắc cô tập trung điểm danh rồi nên nó mới gọi để tìm. Đến lúc này chúng tôi mới cuống cuồng, hớt hải sửa soạn để đi về. Trong lúc luống cuống, nhỏ bạn tôi lỡ tay làm rơi chiếc điện thoại tôi để trên áo xuống nước. Tôi hốt hoảng, vội lội xuống để nhặt thì nhỏ bạn kéo tay tôi lại:
- Thôi, cái máy đó thì vứt đi cũng được. Nhanh lên muộn rồi! Về nhà mình đền cho cái khác mới hơn.
- Không được! Chờ mình một phút thôi!
Vừa dứt lời tôi liền lội nhanh ra nhặt chiếc điện thoại rồi bỏ ngay vào túi để đi về. Cũng chẳng kịp kiểm tra xem rốt cuộc nó có bị hư hỏng chỗ nào không.
Khi chúng tôi đi đến ngã rẽ, thì nhỏ bạn quay sang nói với tôi:
- Đi đường này đi. Nãy mình thấy mấy người nói đây là đường tắt đi ra chỗ gần lớp mình tập trung đấy. Đi đường này may ra mới kịp!
Nghe vậy, dù không tin tưởng mấy, nhưng cũng muộn thật rồi nên 2 đứa tôi đánh liều đi thử. Nhưng xui xẻo thay, chúng tôi đi mãi đi mãi cũng không thấy lối ra. Kết quả là bị lạc ra tới bãi keo nào đó, ở đây người ta trồng rất nhiều cây keo. Lúc này cả hai đứa cũng đã thấm mệt, vừa lại vừa lo sợ, nhỏ bạn tôi ngồi bệt xuống đất tuyệt vọng. Tôi nói: "Lấy điện thoại ra gọi cho đứa nào tới đi, chứ bị lạc mà trời còn tối nữa là tiêu luôn".
Lúc đó nhỏ bạn tôi mới lấy điện thoại của nó ra. Nhưng điện thoại do nó lúc nãy bị ngã, cái điện thoại văng ra trúng vào đá nhọn, bây giờ bật không lên nguồn nữa. Còn điện thoại của tôi lúc nãy cũng bị rơi vào nước mất rồi. Lúc đó tôi nghĩ chắc hai đứa tiêu thật rồi! Tôi đưa điện thoại của mình ra, cố vẩy hết nước trong máy, rồi thử bật nguồn thử tìm lấy một tia hy vọng. Rất may mắn là nó lên nguồn thật. Cả hai đứa vui mừng khôn xiết reo lên. Sau đó, tôi gọi cho cái Trang, nói với nó tình hình của tụi tôi để nó nói với cô tới đón. Lần đó về hai chúng tôi bị phạt dọn vệ sinh một tuần liền.
Nhưng cũng nhờ lần đó, trong lớp không còn ai chế giễu chiếc điện thoại của tôi nữa. Mà mọi người ai cũng phải công nhận, nếu xét về các chức năng thông minh, có thể điện thoại của tôi không bằng của họ. Nhưng nếu xét về độ bền và tính tiện lợi, thì đây chính là chiếc điện thoại tốt nhất tôi từng biết. Từ đó tôi cũng không còn chút gì mặc cảm hay tự ti khi sử dụng chiếc điện thoại này nữa mà trái lại tôi lại rất vui vẻ, tin tưởng khi sử dụng nó.
Đây cũng chính là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi!
Cho tới mấy tháng trước, khi tôi tổng kết được đứng nhất lớp, mẹ đã thưởng cho tôi một chiếc điện thoại mới khác, nhưng tôi vẫn không bỏ chiếc điện thoại này đi, mà vẫn cất giữ cẩn thận chiếc điện thoại đó như một vật kỉ niệm đẹp.
Nokia 1280 - Người bạn tin cậy đầu tiên!
Lê Thị Thu Hà
Từ 25/10 đến 21/11, chuyên trang Số hóa của VnExpress tổ chức cuộc thi "Chiếc điện thoại Nokia đầu tiên của tôi". Đây là nơi bạn đọc chia sẻ kỷ niệm về chiếc điện thoại di động Nokia đầu tiên mà mình sở hữu, những giá trị mà hãng công nghệ Phần Lan mang lại. Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 10h ngày 25/10 đến hết 24h ngày 21/11, tương đương 4 tuần thi.
Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ trao ba giải thưởng tuần cho ba bài viết có số điểm cao nhất, mỗi giải là một điện thoại Nokia 3.1 trị giá 3,99 triệu đồng.
Cuối cuộc thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các bài dự thi có chiếc điện thoại Nokia đầu tiên vẫn còn sử dụng được cho đến hiện nay để chấm điểm, sau đó chọn ra ba bài viết có nội dung hay và cảm xúc nhất để trao giải đặc biệt. Mỗi giải là bộ đôi điện thoại Nokia 6.1 Plus (trị giá 6,59 triệu đồng) và Nokia 5.1 Plus (trị giá 4,79 triệu đồng).
Gửi bài dự thi tại đây