Thứ năm, 2/1/2025
Thứ bảy, 13/5/2017, 11:03 (GMT+7)

Nơi yên nghỉ của dự án tàu con thoi Liên Xô

Buran là dự án tàu con thoi đầy tiềm năng của Liên Xô, nhưng đã bị quên lãng trong một căn cứ vũ trụ bỏ hoang trên đất Kazhakstan.

Dự án tàu con thoi bị quên lãng của Liên Xô
 
 

Tàu con thoi Buran có khả năng tự động rời quỹ đạo và hạ cánh, không cần người điều khiển.

Buran là dự án tàu vũ trụ tái sử dụng duy nhất của Liên Xô, tương tự tàu con thoi (STS) của Mỹ. Tuy nhiên, dự án này bị hủy vào năm 1993, hai năm sau khi Liên Xô tan rã, theo Huffington Post.

Chỉ có hai tàu con thoi Buran được chế tạo, trong đó một chiếc bay lên không gian trong chuyến thử nghiệm duy nhất của dự án này vào cuối năm 1988.

Tàu con thoi Buran được đưa lên không gian bởi tên lửa đẩy Energia, loại phương tiện phóng được chế tạo để cạnh tranh với tên lửa Saturn V của Mỹ.

Tàu con thoi mang tên mã OK-1K1 được phóng lên quỹ đạo ngày 15/11/1988, hoàn thành hai vòng quỹ đạo quanh Trái Đất trước khi bắt đầu quy trình hạ cánh tự động. Bất chấp gió tạt ngang với tốc độ 61 km/h, con tàu đã tự đáp xuống sân bay vũ trụ Yubileyniy, chỉ lệch 3 m so với vị trí dự kiến trên đường băng.

Đây là tàu con thoi duy nhất trên thế giới thực hiện một chuyến bay không người lái, bao gồm cả giai đoạn hạ cánh trong chế độ tự động hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc Liên Xô tan rã khiến dự án Buran mất nguồn vốn. Hai con tàu đều được cất giữ trong khu lắp ráp thử nghiệm gần sân bay vũ trụ Baikonur, Kazhakstan.

Hồi năm 2002, khu nhà kho cất giữ OK-1K1 bị sập sau một cơn bão do bảo dưỡng kém. Vụ việc khiến 8 người thiệt mạng, OK-1K1 và tên lửa đẩy Energia bị phá hủy hoàn toàn.

Nơi yên nghỉ của Buran nằm khá gần sân bay vũ trụ Baikonur, nơi thực hiện hầu hết các vụ phóng tên lửa vũ trụ của Nga.

Tử Quỳnh (Ảnh: Alexander Kaunas)