Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ bảy, 27/7/2024, 00:00 (GMT+7)

Nơi yên nghỉ của 13 thanh niên mở đường ở Truông Bồn

Nghệ AnMộ tập thể của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong nằm trong quần thể khu di tích Truông Bồn ở huyện Đô Lương, dịp 27/7 thu hút nhiều khách hành hương.

Truông Bồn là đoạn đèo dốc dài 5 km trên dãy núi Thung Nưa, thuộc đường chiến lược 15A đi qua xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Trong chiến tranh, nơi đây là huyết mạch giao thông để hậu phương vận chuyển quân lương, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đường 15A dài gần 200 km, tiếp nối từ Quốc lộ 1 giáp với Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương đến Nam Đàn của Nghệ An. Từ Truông Bồn, một ngả đi về TP Vinh, qua phà Bến Thủy vào ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc; một ngã rẽ về bến phà Linh Cảm đi huyện Đức Thọ, Hương Sơn của Hà Tĩnh.

Trong ảnh là Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. Công trình xây dựng trên diện tích hơn 21 ha, khánh thành tháng 8/2015, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An trích ngân sách 50 tỷ đồng, còn lại sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Khu mộ và nhà che mộ 13 liệt sĩ thanh niên xung phong rộng 110 m2. Phía sau là nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng, liệt sĩ rộng 290 m2. Đây là những nơi du khách thường ghé dâng hương mỗi lần đến Truông Bồn.

Xung quanh khuôn viên là những vườn cây xanh mát với hơn 1.500 cây cảnh các loại được tổ chức, cá nhân hiến tặng.

Khu di tích có 21 hạng mục chính, gồm đài tưởng niệm các liệt sĩ, quảng trường, tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống.

Đài tưởng niệm là nơi đặt tượng thanh niên xung phong. Phía sau hạng mục này là những bức phù điêu khắc họa cảnh sinh hoạt, chiến đấu.

Bên trong nhà truyền thống thuộc khu di tích Truông Bồn. Tại đây phân ra các gian nhỏ, lưu giữ và trưng bày hơn 300 hiện vật thời chiến tranh.

Ảnh chân dung 14 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2 được in ra, đặt trang trọng ở lối ra vào nhà truyền thống.

Năm 1996, Truông Bồn được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vật dụng sinh hoạt của thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông được bảo quản trong tủ kính. Ngoài ra, trong nhà truyền thống còn lưu giữ những lá thư, kỷ vật, cuốc xẻng đào đường của các liệt sĩ.

Ngoài đến dâng hương, một số câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật còn tổ chức các tiết mục biểu diễn văn nghệ để ca ngợi tinh thần hy sinh quên mình vì tổ quốc của các thanh niên xung phong. Ảnh: Trọng Lộc

Cuối tháng 7, mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách, cựu binh đến viếng 13 liệt sĩ thanh niên xung phong cũng như phần mộ của những liệt sĩ khác trong khuôn viên di tích Truông Bồn. Ảnh: Trọng Lộc

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, cho biết mỗi năm Truông Bồn đón hơn 300.000 lượt khách về thăm, dâng hương, cao điểm nhất là dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Tháng 7 năm nay dự kiến đón hơn 70.000 lượt khách.

"Sắp tới đơn vị đang có kế hoạch nâng cấp, số hóa nhà truyền thống để người dân, du khách dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu các hiện vật liên quan Truông Bồn cũng như đường 15A huyền thoại", ông Lộc nói.

Các em nhỏ thường được bố mẹ đưa đến Truông Bồn chụp ảnh lưu niệm bên các hiện vật, để hiểu hơn truyền thống lịch sử của cha ông.

Trích phim tài liệu về Truông Bồn
 
 

Trích phim tài liệu về Truông Bồn. Nguồn: VTC1

Đức Hùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net