Tính đến 18g 30 hôm qua (16/5), đã tìm thêm được xác của 2 thủy thủ trong số 5 người còn mất tích. Đó là anh Trần Văn Vang và Nguyễn Hoàng Diệu. Ngay khi dòng nước tĩnh, lực lượng cứu hộ lại tiếp tục công tác tìm kiếm. Như vậy, gần 2 ngày sau vụ chìm tàu, thi thể của 5 thủy thủ xấu số đã được xác định. |
Khu vực này sâu 11 m, có nhiều ghe thuyền nhỏ qua lại, mật độ lưu thông cao...
Vụ tai nạn chìm tàu Hoàng Đạt 36 là nghiêm trọng nhất kể từ khi cảng Lotus được thành lập năm 1991 đến nay. Tuy nhiên trước đó, rất nhiều lần các tàu đi ngang qua khúc ngoặt không làm chủ được tay lái đã lạng sang suýt đâm vào cầu tàu Lotus.
Người tiền nhiệm Tổng giám đốc cảng Bông Sen hiện tại, ông Mai Xuân Thiệu nói với VnExpress rằng, trong vòng 16 năm làm người điều hành cao nhất ở cảng (1991-2007), từ vị trí phó tổng đến tổng giám đốc, ông không thể đếm hết số vụ tàu va quẹt nhau trên luồng khu vực hay suýt đâm vào cảng. Vụ đáng nhớ nhất là cách nay khoảng 4 năm, một tàu trên luồng vào cảng Sài Gòn đã lạc lái vì nước xoáy và tránh tàu trong khúc cua, đâm sầm vào cảng Rau quả là láng giềng của Lotus.
Ngay phía hạ lưu cảng khoảng 1km là ngã ba sông, nơi giao nhau sông Sài Gòn - Nhà Bè - Đồng Nai. Theo ông Thiệu, đặc điểm địa lý này càng gây nguy hiểm cho khúc cua trước mặt cảng Lotus. Thậm chí, trước kia cầu Phú Mỹ (hiện đang thi công) dự kiến vị trí nằm ở phía hạ lưu cảng Lotus, tức ngay khúc cua tử thần. Sau khi các chuyên gia hàng hải phân tích các yếu tố an toàn cho tàu biển, đều kết luận vị trí này không an toàn cho cầu. Kết quả, cầu Phú Mỹ được dời lên vị trí hiện nay là thượng lưu Lotus, sát cảng Rau quả.
"Những yếu tố nguy hiểm này, nếu là hoa tiêu quen đường, có kinh nghiệm sẽ yêu cầu thuyền trưởng tàu giảm tốc độ khi đi ngang đây", Tổng giám đốc cảng hiện nay cho biết.
![]() |
Bảng đồ vị trí cảng Lotus. Ngay ngôi sao đỏ là khúc ngoặt khuỷu tay cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: lotus.com.vn |
Tàu Gas Shanghai có thể đi quá nhanh
Với kinh nghiệm nhiều năm đi tàu, thuyền trưởng Phạm Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh vận tải thủy Sea Saigon đưa giả thuyết, với lực đâm quá mạnh khiến Hoàng Đạt 36 văng vào gần cảng và chìm ngay, có thể tàu Gas Shanghai đã đi quá nhanh, mặc dù hoa tiêu dẫn đường có mặt trên tàu.
Ông Sơn, Luật Hàng hải Việt Nam chỉ quy định chung cho các tàu thuyền khi chạy trong luồng như sông Sài Gòn chẳng hạn, "phải có tốc độ an toàn". Tuy nhiên, tốc độ an toàn bao nhiêu là tùy thuộc vào người dẫn đường, chứ không quy định cụ thể vận tốc trong điều kiện nhất định. "Nếu hoa tiêu thấy luồng di chuyển an toàn thì có thể hướng dẫn chạy với tốc độ 13-15 hải lý/giờ, trường hợp nguy hiểm thì tàu đi chỉ 4-5 hải lý giờ", thuyền trưởng Sơn nói và cho rằng, quy định tốc độ an toàn như thế này khá nhạy cảm.
Đây là tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra tại cảng Lotus. Vụ đâm chìm thảm khốc tàu Hoàng Đạt với số người thiệt mạng, mất tích lên đến 8. Đại diện Ban an toàn cảng vụ Sài Gòn cũng đặt dấu hỏi, vì sao tàu Gas Shanghai lại đi đâm ngang tàu Hoàng Đạt, nhưng từ chối đưa ra giả thuyết để chờ kết luận điều tra của công an.
Thiệt hại có thể lên đến hàng chục triệu USD
Hiện 1 cầu tàu của cảng Lotus vẫn bị phong tỏa để phục vụ công tác cứu hộ, tìm kiếm xác nạn nhân. 1 cầu tàu còn lại được phép hoạt động bình thường, bốc dỡ hàng tại cảng hôm nay chỉ đạt 1/2 công suất. "Cảng cũng bị thiệt hại nặng sau sự cố này, nhưng chưa thể tính hết được", ông Minh cho biết. Trong hệ thống cảng Sài Gòn, Lotus là chuyên dành để bốc dỡ hàng nặng.
Tàu Hoàng Đạt 36 được đóng mới năm 2002, có tải trọng đăng ký là 1.110 tấn. Theo các chuyên gia về tàu biển, sức chở tối đa của tàu có thể cho phép lên trên 2.000 tấn. Tàu được mua bảo hiểm tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI). Đại diện Công ty Crawford, đơn vị giám định thiệt hại đại diện PVI, nói với VnExpress, hiện chưa trục vớt được tàu để xác định mức thiệt hại, song tổn thất tài sản sẽ không nhỏ, có thể lên đến cả chục triệu USD, chưa tính đến nhân mạng.
![]() |
Tàu Hoàng Đạt 36 trước khi bị đâm chìm. Ảnh: Cục hàng hải Việt Nam |
Thuyền trưởng Phạm Hồng Sơn ước tính, nếu Hoàng Đạt 36 được xem là mới, thì trị giá của riêng con tàu ước khoảng 2-3 triệu USD, chưa kể toàn bộ hàng hóa và trang thiết bị khác. Giám đốc Công ty Hoàng Đạt, chủ tàu Hoàng Đạt 36, Bùi Thanh Bản thì rầu rĩ: "Công ty đang lo tập trung việc tìm kiếm người mất tích nên chưa thể nghĩ đến bất kỳ việc nào khác, hiện chỉ tạm bố trí đưa các thủy thủ về nhà nghỉ ngơi".
Vụ tai nạn thảm khốc của tàu Hoàng Đạt 36 không phải là rủi ro đầu tiên của công ty chủ tàu. Tháng 10/2003, Hoàng Đạt 35, một con tàu khác của chủ tàu tư nhân này trên đường từ Hải Phòng chở dăm gỗ đi Singapore, cũng bị chìm ở vùng biển Vũng Tàu. Hai thủy thủ chết, 1 mất tích, 13 người còn lại được tàu Stolt Capability quốc tịch Liberia cứu sống.
Trong khi đó, con tàu Gas Shanghai, quốc tịch Marshall Island, được đóng mới năm 1999 chuyên dụng vận chuyển gas, có dung tích hầm tàu 3.527m3, trọng tải 3.044,64 tấn. Công ty Matrix Gas Trading, sở hữu Gas Shanghai, nhưng con tàu đang được StealthGas Inc. thuê chở gas với thời hạn đến hết tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, theo thỏa thuận với chủ tàu, hợp đồng thuê có thể gia hạn thêm 12 tháng nữa. Gas Shanghai cũng có 16 thủy thủ, cùng với tàu hầu như đã lướt sóng đến nhiều cảng trên thế giới.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, chỉ trong tháng 3 đã có 4 vụ tai nạn tàu biển diễn ra đối với tàu Việt Nam. Trong đó tàu Vân Đồn 02 bị mắc cạn tại Papua New Guinea phải dùng tàu cứu hộ hỗ trợ. Tàu Hải Long 02 đâm nhau với tàu dịch vụ dầu khí nước ngoài làm hỏng phần lớn vùng mũi tàu. Tàu Tiến Đạt 02 bị gãy trục chân vịt tại Bình Thuận. Tàu Thành An 27 bị mất chân vịt tại vùng biển Đà Nẵng. Cả 4 tàu đều được cứu hộ an toàn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là trong 3 tháng qua đã có 4 vụ tàu gãy chân vịt và 2 vụ tàu rơi chân vịt khi đang hành trình. |
Phan Anh