Tôi học trường Thực nghiệm, khóa 4. Những năm đầu thập niên 1980, trường mới chỉ có 4 khối, vẻn vẹn vài lớp với trên dưới 200 học sinh, đủ để có thể xưng danh hết học sinh giỏi và học sinh tiên tiến trong lễ bế giảng. Lớp tôi, khoảng 25 học sinh, chỉ có 2 - 3 bạn đạt học sinh giỏi, tiên tiến chắc non chục bạn. Ngày đó học sinh trung bình, kém, đúp không ít. Danh hiệu tiên tiến mà tôi đạt được là một niềm tự hào không hề nhỏ.
Con tôi đang học tiểu học. Tôi nhớ mãi cuộc điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp vào một dịp cuối năm học. Cô chia sẻ về tình hình học tập của con tôi, một môn của cháu điểm thi còn thiếu chút nữa mới đạt học sinh giỏi, nhưng cô không nỡ để cháu ở mức tiên tiến, vì nhiều bạn học kém hơn cũng được nâng lên giỏi, mặt khác, một hai bạn “bị” tiên tiến là những thành phần cá biệt, quá kém và hư. Tôi hiểu tấm chân tình của cô. Con tôi sẽ rất buồn và tủi thân, thậm chí mất tinh thần phấn đấu nếu nằm trong tốp cá biệt. Cùng nghề, hơn ai hết, tôi thấu hiểu vì sao cô phải làm thế. Dù vậy, tôi vẫn trả lời thẳng thắn rằng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ nếu cô để điểm số và thành tích của con tôi cũng như toàn bộ các bạn trong lớp đúng với thực lực.
Những năm đầu vào nghề giáo, tôi được phân về một trường cấp hai thuộc khu vực dân trí không cao, học sinh không chăm ngoan. Với tâm huyết tạo dựng những lứa học sinh trung thực, nghiêm túc, biết đánh giá đúng và dám chịu trách nhiệm trước thực lực của mình, tôi chia sẻ thẳng thắn cùng học sinh quan điểm giáo dục của bản thân trước khi vào điểm với kết quả hơn 10 em ở mức trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 10 học sinh đó sẽ mất danh hiệu học sinh giỏi, mất cơ hội cộng điểm trong kỳ thi chuyển cấp, và lớp tụt hạng trong bảng xếp hạng thi đua... Việc làm chưa từng có tiền lệ này vấp phải sự phẫn nộ của giáo viên chủ nhiệm, tôi được yêu cầu phải nâng toàn bộ điểm ở mức trung bình lên mức giỏi. Tôi trả lời rằng không thể cho điểm giả dối như vậy, rằng cần trung thực và minh bạch trước học sinh, rằng không thể đánh đồng sự cố gắng và năng lực của cả lớp như nhau.
Các đồng nghiệp khác nhìn tôi với ánh mắt không đồng tình, cũng không phản đối. Tôi bị ám ảnh mãi bởi những ánh mắt đó, những ánh mắt chất chứa đủ mọi nỗi niềm không thể bộc bạch. Việc tôi làm là đúng, nhưng lại không giống với tất cả. Tôi hiểu thế nào là tách mình ra khỏi đám đông. Tỷ lệ học sinh giỏi của trường vốn luôn đạt trên 95%, còn lại là tiên tiến, hầu như không có trung bình và kém. Tôi hiểu mình đơn độc trong cuộc đấu. Dù là cuộc đấu nhằm giành lại những điều tốt đẹp, đúng đắn đã mất từ lâu, nhằm gây dựng lại những giá trị đích thực chốn học đường. Không có đồng đội, tôi cầm chắc phần thua. Tôi bất lực và đau đớn nhìn những thế hệ học trò lần lượt ra trường với cuốn học bạ giả dối, thành tích giả dối. Càng bất lực và đau đớn hơn khi chính những học trò đó hài lòng và mỉm cười nhận cuốn học bạ “không phải của mình” làm hành trang vào đời, với suy nghĩ chính các thầy cô cũng đã làm điều giả dối.
Danh hiệu tiên tiến - sự phấn đấu cao độ, niềm tự hào lớn của thế hệ tôi, giờ lại là sự thất bại, niềm hổ thẹn ghê gớm của học sinh và phụ huynh. Nhưng “Giỏi”, theo tôi, phải được hiểu là “sự vượt trội”, mà “sự vượt trội” dĩ nhiên không bao giờ có thể chiếm đa số. Có một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải công nhận. Đa số chúng ta là những người bình thường, nếu muốn “Giỏi”, ngoài năng khiếu bẩm sinh, thì phải thực sự đầu tư, phải nỗ lực vượt bậc, phải phấn đấu trong một thời gian dài… và cũng chỉ có thể “Giỏi” ở lĩnh vực mà mình chuyên sâu.
Tôi không có thói quen đánh giá một học sinh là giỏi theo chuẩn hiện nay. Đơn giản vì tôi nghĩ khó lòng giỏi thực sự mười mấy môn học trong chương trình phổ thông. Tôi xót xa khi nhìn các em học và học, môn nào cũng phải học để đạt giỏi, nhưng rút cục, không thực sự đam mê, không thực sự am hiểu một lĩnh vực nào. Với tôi, nếu một học sinh chỉ đạt danh hiệu học sinh trung bình, nhưng em đó nổi trội về một lĩnh vực nhất định… tôi vẫn cho là giỏi và rất đáng trân trọng.
Ngành giáo dục, như tôi chứng kiến, đã trải qua rất nhiều cuộc cải cách. Nhưng những cải cách này sẽ chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu tôn trọng bản chất của giáo dục như một quá trình truyền đạt - tiếp nhận kiến thức. Mọi thay đổi nếu có, phải là nhằm cho quá trình đó đạt hiệu quả thực chất, chứ không phải nắn chỉnh nó để phục vụ cho những mục tiêu phi giáo dục.
Đỗ Sông Hương