Với nhiều vụ lùm xùm tai tiếng trong ngành giáo dục những năm qua, tôi không chỉ thực sự buồn vì những hành vi giáo viên đã sai, như im lặng không nói, bắt học sinh quỳ, hay bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng... Nhưng còn những vụ việc giáo viên không sai, hoặc không dám sai, chỉ những người hàng ngày đối mặt với cả trăm học trò mà mỗi em một tính mới biết, khó khăn và áp lực thế nào.
Đồng nghiệp của tôi, có nhiều người đã bỏ nghề vì sợ tai bay vạ gió với phụ huynh. Một đồng nghiệp là giáo viên chủ nhiệm đã tâm sự với tôi rằng anh ấy chọn biện pháp an toàn là không phạt bất cứ cách gì, chỉ yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm, và tổng hợp mỗi tháng báo về gia đình đúng trách nhiệm. Nhưng anh rất áy náy, bởi bản kiểm điểm chỉ là một tờ giấy, các em học sinh không mấy e sợ khi phải viết bản kiểm điểm. Phụ huynh sau khi đọc bản kiểm điểm nếu quan tâm thì nói “Nhờ thầy cô dạy bảo”, còn nhiều người thậm chí không phản hồi. Và như vậy học sinh cứ tiếp tục vi phạm, người chịu hậu quả lớn nhất cũng là học sinh.
Một cô giáo khác, phạt học sinh đứng 15 phút vì lời nói hỗn, thiếu lễ độ, nhưng cô không may vì phạt đúng cậu ấm. Về nhà em than mệt, ngày hôm sau phụ huynh dọa kiện giáo viên làm ảnh hưởng sức khỏe học trò.
Một đồng nghiệp khác, trong một lần phạt học sinh đứng ngoài cửa lớp do em này quá nhiều lần mất trật tự, đã bị phụ huynh kiện “tội” làm mất quyền được học tập của học sinh. Anh ấy đã lao đao cả một thời gian dài và cuối cùng phải xin lỗi phụ huynh.
Có những hình phạt tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng giáo viên lãnh đủ, đã nhiều đồng nghiệp của tôi bị kiện cáo. Giáo viên chúng tôi hoang mang. Bản thân tôi đang áp dụng hình thức chép phạt cho học sinh không thuộc bài, nhưng tôi vẫn nơm nớp lo sợ không biết có phụ huynh nào sẽ kiện mình hay không. Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ khi một tháng học sinh không học bài, làm bài đến bốn năm lần, nhưng cũng không thể nào làm gì quá hơn với các em. Tôi rất cần một công cụ gì đó mà bản thân tôi cũng chưa biết là cách gì. Không ai chỉ cho tôi ranh giới ở chỗ nào.
Học sinh là lứa tuổi hiếu động, khó mà tập trung ngồi yên một chỗ nghe giảng nếu không có cách uốn nắn thích hợp. Giáo viên thì băn khoăn sợ hãi. Nhiều khi chúng tôi trò chuyện với nhau mà cảm thấy ấm ức, tại sao con em của họ, họ không lo lắng mà chúng tôi lại lo lắng cho việc học của các em, mong các em lên lớp, lại thêm mất ngủ vì không biết khi nào phụ huynh sẽ kiện mình. Bởi vì không có hướng dẫn cụ thể nên giáo viên mãi loay hoay.
Trong trường sư phạm, chúng tôi được học về tâm lý học sinh theo lứa tuổi, được học về xử lý tình huống sư phạm. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng như lý thuyết, những tình huống sư phạm có thể xử lý rất hay trên giấy, nhưng học sinh trăm nghìn em không em nào giống em nào. Tình huống sư phạm dừng lại ở việc sinh viên sư phạm đưa ra cách giải quyết được cho là hợp lý, còn trong thực tế các em có sửa đổi hay không lại là chuyện khác.
Theo các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục, có những mức kỷ luật như phê bình trước lớp, khiển trách trước lớp, cảnh cáo trước lớp, phê bình trước trường, khiển trách trước trường, cảnh cáo trước trường, đuổi học ba ngày, đuổi học một tuần, đuổi học một năm. Chiếu theo luật này thì những em vi phạm lần thứ 9 sẽ đối mặt với hình thức đuổi học một năm. Nhưng trên thực tế không có giáo viên nào nỡ đuổi học học sinh chỉ vì 9 lần không thuộc bài hay mất trật tự cả, chỉ đuổi khi học sinh vi phạm các điều cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bạn sẽ hỏi, làm gì mà vi phạm tới lần thứ 9? Xin đến bất cứ ngôi trường nào trên đất nước Việt Nam, mượn một cuốn sổ ghi đầu bài bất kỳ để đếm xem học sinh vi phạm nội quy bao nhiêu lần một tháng. Một em học sinh có thể vi phạm nói chuyện trong lớp, gây mất trật tự, làm việc riêng hoặc không học bài không làm bài trong mỗi ngày, thậm chí có em mỗi ngày vi phạm hai ba lần.
Chúng tôi phải giáo dục học sinh như thế nào? Nhắc nhở nhiều lần không cải thiện; cũng không nỡ đuổi học sinh theo quy định, chỉ vì những vi phạm như nói chuyện hay không thuộc bài, mặc dù để làm việc đó chỉ cần chuẩn bị đủ hồ sơ, bản kiểm điểm, biên bản... Vì thương học sinh, và vì chỉ cần đủ số lần mà đuổi học thì sẽ phải đuổi một số lượng vô cùng lớn. Bỏ mặc ư? Lớp học sẽ càng ngày càng tệ. Một em nói chuyện không bị gì, cả lớp thấy vậy nói chuyện theo, lớp mất trật tự không nghe giảng được, ảnh hưởng đến các học sinh chăm ngoan. Hoặc một em không thuộc bài không làm bài, lần nào giáo viên cũng chỉ dùng lời lẽ để nhắc nhở, các em khác thấy vậy cũng buông thả việc học, thế là mục đích của giáo dục đổ bể.
Có người thì nói rằng không được phạt bằng bất cứ hình thức nào, nền giáo dục phạt học sinh là nền giáo dục lạc hậu. Xin thưa ở cả ba nền giáo dục tiên tiến là Mỹ, Anh, Singapore đều cho phép phạt học sinh. Ở Mỹ, giáo viên có quyền phạt học sinh theo quy định của từng bang. Ở Singapore, nhà trường được toàn quyền ban hành các biện pháp kỷ luật hợp pháp với học sinh, giáo viên theo đó mà làm. Tại Anh, chính phủ cho phép trường có quyền giữ học sinh sau giờ học mà không cần giải thích lý do với phụ huynh. Không phải ngẫu nhiên mà các nền giáo dục lớn lại đề cao kỷ luật đến thế, là vì họ nhìn thấy trước hậu quả của việc không rèn kỷ luật từ khi trẻ còn nhỏ. Kỷ luật được rèn qua nhiều năm sẽ thành thói quen tự giác của con người.
Giáo viên - học sinh, gia đình - nhà trường là mối quan hệ vô cùng nhạy cảm. Luật Giáo dục đã có các hình thức kỷ luật, nhưng như tôi nói ở trên, nó không thể áp dụng vào thực tiễn. Còn chúng tôi, những giáo viên, thì vẫn mong được cụ thể hóa và hợp thức hóa những “cây gậy” của mình. Ví dụ như có được bắt học sinh chép phạt, đứng ngoài cửa hay đứng góc lớp, phạt lau dọn nếu xả rác, làm bẩn trường... hay không?
Một lần nữa tôi khẳng định, tôi không đồng ý với các biện pháp kỷ luật xâm phạm nhân phẩm và thân thể học sinh, nhưng tôi tha thiết mong Quốc hội, Bộ trưởng ngành Giáo dục cũng như xã hội hãy trao cho giáo viên công cụ và hướng dẫn chúng tôi cách thức giáo dục con người, để xử phạt thế nào cho nhân văn và hiệu quả.
Giáo viên không khó để tìm ra củ cà rốt, nhưng không thể tìm ra cây gậy. Và “hiệu quả giáo dục” sẽ tiếp tục là cụm từ gây tranh cãi.
Phạm Minh Phương Hằng