-
22h10
Các nghệ sĩ hát 'Nối vòng tay lớn' kết chương trình
Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - thay mặt gia đình tri ân khán giả, kêu gọi sự đồng lòng quyết tâm chống dịch, như tinh thần ca khúc Nối vòng tay lớn của ông. Từ nhiều điểm cầu, hơn 20 nghệ sĩ cùng biểu diễn nhạc phẩm, gieo vào lòng mọi người niềm hy vọng tươi sáng.
Ban tổ chức thông báo trong hai giờ diễn ra, chương trình nhận được 102 tỷ 580 triệu đồng đóng góp từ các nhà hảo tâm, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống Covid-19.
-
22h00
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM - phát biểu
Ông Phan Văn Mãi nói: "Bốn tháng qua, TP HCM đã trải qua những khó khăn chồng chất, thử thách to lớn khi phải đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Chúng ta đã chứng kiến những đau thương mất mát của đồng bào, những hy sinh tổn thất của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên, đồng thời chúng ta cũng chứng kiến biểu hiện sâu sắc của lòng nhân ái, tình đoàn kết, nghĩa đồng bảo, thể hiện qua những việc làm hết sức thiết thực ở từng con hẻm nhỏ, từng khu nhà trọ, từng bệnh viện dã chiến của thành phố. Đảng bộ và chính quyền thành phố xin trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đồng bảo cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
TP HCM luôn xem người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong cuộc chiến cam go chống lại dịch bệnh, song song với việc quan tâm chữa trị cho các bệnh nhân là việc lo an sinh cho đồng bào, nhất là trẻ mồ côi, người nghèo, người thất nghiệp, những người gặp cảnh đời bất hạnh.
Được sự hướng dẫn, giúp đỡ, chi viện từ các cơ quan trung ương, các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời được sự đồng lòng hợp tác từ các tầng lớp nhân dân, đến nay, có thể nói thành phố chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, chuẩn bị kỹ lưỡng từng bước cần thiết để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 là một tình huống khắc nghiệt mà chúng ta chưa lường hết hậu quả. Vì vậy, trong công tác điều hành của thành phố, có lúc không tránh khỏi lúng túng, hạn chế, bất cập. Thay mặt chính quyền thành phố, chúng tôi xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào.
Chính quyền thành phố đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục dành hết sức lực, tâm trí để bảo vệ người dân, quyết tâm đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi cũng kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thành phố hết lòng đoàn kết để vượt qua thử thách hiện nay, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu, điều ám ảnh nhất trong mỗi chúng ta là dịch bệnh chia cắt tình cảm con người. Trước đau thương, chúng ta không thể gục ngã. Âm nhạc là một phương thức hàn gắn, chữa lành nỗi đau. Chương trình hôm nay có ý nghĩa to lớn vì thể hiện tinh thần dân tộc của mỗi người Việt ở trong nước hay ngoài nước, cùng hướng về thành phố với tất cả tình thương và trách nhiệm.
Đêm nay, thực sự ngôn ngữ âm nhạc đã nối liền tâm hồn mỗi chúng ta như bài hát chủ đề của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người có nhiều năm gắn bó với thành phố thân yêu này. Chúng ta hy vọng và chờ đợi sau những ngày tháng khó khăn, thành phố nhất định đón chào ngày mới với những nụ cười nối trên môi tất cả mọi người. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng thành phố đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, và sẽ có những hình thức phù hợp để ghi lại những hy sinh mất mát, những đóng góp to lớn trong đợt đại dịch này".
-
21h56
Hồng Nhung hát 'Tự nguyện'
Diva nói: "Việc giãn cách xã hội khiến đời sống khó khăn nhưng mỗi ngày, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh cảm động, thân thương. Mỗi con người Việt Nam tự nguyện chung tay theo khả năng riêng của mình để góp sức chiến thắng đại dịch". Chị hát ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh.
Thời gian qua, Hồng Nhung là một trong những nghệ sĩ tích cực truyền tải thông điệp lạc quan thời dịch. Chị ca hát cùng khán giả, nhờ các con quay MV tại nhà.
-
21h52
Kyo York hát 'Để gió cuốn đi'
Ca sĩ người Mỹ thể hiện nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng lối hát mộc mạc. Kyo nói chọn bài hát vì xúc động trước tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Việt trong dịch.
-
21h46
Thanh Bùi, Hoàng Quyên song ca
Hai nghệ sĩ biểu diễn We are one (Chúng ta là một), thể hiện tinh thần đồng lòng của người dân cả nước. Hoàng Quyên ở Hà Nội trong khi Thanh Bùi ở TP HCM, hai người dành nhiều thời gian tập luyện để tiết mục nhuần nhuyễn, ăn ý.
Thanh Bùi sáng tác ca khúc vài năm trước, lúc anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chưa tìm được câu trả lời cho bản thân. Dần dà, anh nhận ra, khi mọi người chung tay, mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Bài hát cổ vũ tinh thần người nghe vượt qua nghịch cảnh.
-
21h42
Đại diện AVSE Global phát biểu về thông điệp chương trình
Ông Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho biết nhóm tập hợp các chuyên gia cố gắng cung cấp cho người dân kiến thức chống dịch, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ trang thiết bị y tế, nguồn vaccine từ bạn bè quốc tế.
-
21h35
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn xuất hiện trên màn hình
Là giám đốc âm nhạc của chương trình nhưng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn không thể biểu diễn vì cơn đột quỵ hồi tháng 8. Trong video, chị Kiều Đàm Linh - vợ anh - nói tin tưởng chồng tiếp tục vượt bệnh tật nhờ ý chí kiên cường.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, TP HCM - nơi nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn điều trị - cho biết đơn vị ông vừa hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, vừa hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Sơn mượn câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" - để khích lệ tinh thần cộng đồng.
-
21h30
Các nghệ sĩ hát 'Niềm tin chiến thắng'
Lân Nhã, Đào Mác, Khánh Ngọc, Duyên Huyền biểu diễn sáng tác của Lê Quang. Ca khúc được phối mới, vang vọng như một khúc tráng ca nhờ sự hỗ trợ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM, nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
-
21h27
Hà Lê hát 'Huế, Sài Gòn, Hà Nội'
Rapper làm mới ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh tung tẩy nhảy múa trên "sân khấu" tại nhà.
-
21h15
Bác sĩ Trần Thanh Linh nói về áp lực của lực lượng tuyến đầu
Bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM - nói về áp lực chống dịch của lực lượng tuyến đầu: "Khi xem video, chúng tôi nhớ lại hình ảnh của các đồng nghiệp, bệnh nhân suốt mấy tháng qua. Mỗi anh em đều làm việc hết sức. Giai đoạn đầu, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 70-,80 bệnh nhân cận kề cái chết. Khi đó, lực lượng y tế rất mỏng. Khi đối diện những trường hợp tử vong, chúng tôi đều cảm thấy bất lực. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta từng bước kiểm soát dịch. Thành tích đó nhờ sự chung tay của lực lượng y tế và nhiều ngành nghề cả nước".
Bác sĩ nhấn mạnh: "Tiêm vaccine là điều tiên quyết nhất trong giai đoạn này. Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM. - cho biết đã vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành quy định giãn cách của nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội. Bà cảm ơn doanh nghiệp, đồng bào trong ngoài nước đã hỗ trợ TP HCM: Hơn 950 tỷ đồng tiền mặt, hơn 2.230 tỷ đồng tiền trang thiết bị hỗ trợ cho các bệnh viện - lực lượng tuyến đầu, đồng thời người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh thành, kiều bào đã đóng góp hơn 350 tỷ đồng tiền lương thực, thực phẩm. Thành phố cũng nhận được khoảng 310 tỷ đồng mua vaccine phòng chống Covid-19 cho người dân.