Đối với trường hợp đưa thông tin lên mạng thuộc phạm trù bí mật đời tư như quan hệ hôn nhân, ngoại tình, con riêng, vợ chồng bất hòa... nhưng không nêu đích danh tên cá nhân cụ thể thì về nguyên tắc không bị coi là xâm phạm bí mật đời tư.
Theo quy định của pháp luật về dân sự thì bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mặc dù, luật pháp chưa có quy định cụ thể thế nào là bí mật cá nhân, bí mật đời tư nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật thì đa số đều thừa nhận rằng bí mật cá nhân, bí mật đời tư là những thông tin thầm kín, riêng tư của cá nhân mà cá nhân đó không muốn để người khác biết. Việc để lộ những thông tin đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản... của cá nhân đó.
Với cách tiếp cận nói trên thì có thể thấy bí mật đời tư là tập hợp các thông tin của cá nhân mà cá nhân đó muốn giữ kín. Do đó, không có bất kỳ hạn chế nào về phạm vi những gì được coi là bí mật đời tư và cũng không thể áp đặt quan điểm của người này về một thông tin nào đó có phải là bí mật đời tư của người khác hay không.
Do vậy, mọi thông tin cá nhân muốn được giữ kín mà người khác công khai dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, đều là xâm phạm bí mật đời tư. Tùy tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội