Sáng 29/6, Việt Nam tiếp tục tiễn 63 quân nhân thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Bộ đội công binh số 2 tại sân bay Tân Sơn Nhất, lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan. Đêm trước đó, các chiến được Bệnh viện Quân y 175 tổ chức tiệc gặp mặt, chia tay người thân.
Thách thức đầu tiên đón đợi các chiến sĩ mũ nồi xanh khi đặt chân đến đây là sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn. Ban ngày, nhiệt độ có khi lên đến 50độ C nhưng vào ban đêm, nhiệt độ xuống còn từ 18 đến 25độ C. Ở đất nước Đông Phi này, có hai mùa mưa- nắng nhưng chỉ có 3 tháng mưa, còn lại là mùa khô, rất khắc nghiệt, độ ẩm nhiều khi xuống rất thấp. Điều này khiến cho tình trạng khan hiếm nước thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên Liên Hợp Quốc và bệnh viện dã chiến. Đại úy Nguyễn Mạnh Hiệp (thuộc Bệnh viện Dã chiến 2.5, đơn vị làm việc thường trú là Bệnh viện 175), có 3 lần hành quân sang Nam Sudan, cho biết những khi ấy, mọi người phải sống dè sẻn và hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt khó, hướng đến mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài những khó khăn gặp phải trong quá trình làm nhiệm vụ, đại úy Nguyễn Mạnh Hiệp còn phải đối mặt với nỗi nhớ con. Bentiu – nơi anh đóng quân, gần Bệnh viện Không biên giới của nhóm bác sĩ thế giới. Bệnh viện này có khoa sản, thi thoảng khi nghe tiếng trẻ khóc chào đời khiến người chiến sĩ nhớ con da diết.
Anh kể lần đầu đi Nam Sudan là 5 năm trước. Con trai đầu mới 4 tuổi, cậu nhóc thứ hai đang 2 tuổi. Khi hạ cánh ở thủ đô Juba, điện thoại còn bắt được chút sóng 3G để anh gọi về nhà nhưng đến phái bộ Bentiu, Internet là điều gì đó khá xa xỉ. Phải mấy tháng sau, anh mới có cuộc gọi đầu tiên về hỏi thăm gia đình sau khi bệnh viện lắp đặt Wi-Fi.
Anh tâm sự mỗi đợt về phép, thường không để cho con thấy mình mặc quân phục vì con "nhất quyết không cho mình đi, bởi lần nào bố đi cũng về lâu cả". Nghe những lời ấy của con trẻ, trong đầu anh Hiệp dấy lên hình ảnh hoang tàn và cả những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên giữa bom đạn của đất nước Nam Sudan. Điều này thôi thúc anh tiếp tục đăng ký tham gia vào bệnh viện dã chiến lần thứ hai và thứ ba với ước mong góp sức mình để những đứa trẻ ở vùng chiến tranh ngày nào đó được sống trong hòa bình như con mình.
Suốt cuộc nói chuyện, anh Hiệp như bị ám ảnh bởi những đôi mắt trẻ thơ ở vùng đất Đông Phi này. "Con mình có thể không quá sung sướng, không quá đủ đầy. Nhưng rõ ràng là hạnh phúc hơn các bạn nhỏ ở đây nhiều. Có những lần tôi đi, nhìn đổ nát hoang tàn dưới chân, trước mặt mà dặn lòng phải xếp lại niềm riêng, để cùng anh em, đồng đội thực hiện nhiệm vụ", anh Hiệp bày tỏ.
Khác với đại úy Nguyễn Mạnh Hiệp, động lực tham gia bệnh viện dã chiến của Thiếu tá Lê Minh Tân (thuộc đơn vị Bệnh viện Dã chiến 2.5, đơn vị làm việc thường trú là Bệnh viện 175) lại đến từ người đồng nghiệp Trần Đăng Khoa. "Chúng tôi trạc tuổi nhau. Khoa tham gia Bệnh viện Dã chiến 2.3 với tư cách là phó giám đốc chuyên môn. Hơn một năm thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan về, tôi thấy bạn mình trưởng thành hẳn ra. Chính Khoa là người đã truyền cảm hứng cho tôi trong chuyến đi lần này", thiếu tá Tân cho hay. Anh tạm gác lại đám cưới, chỉ cùng vợ làm thủ tục đăng ký kết hôn và mong sẽ được về phép để chào đón đứa con đầu lòng.
Đây là lần đầu tiên thiếu tá Lê Minh Tân tham gia bệnh viện dã chiến, lại với tư cách là phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Dã Chiến 2.5, nên không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sự "truyền lửa" của người bạn, người đồng nghiệp đã giúp anh tự tin bước ra khỏi vùng an toàn. Tại bệnh viện dã chiến, công việc của phó giám đốc chuyên môn không hề nhẹ. Vì ngoài thực hiện chuyên môn chính của mình, thiếu tá Tân còn phải đảm trách hàng loạt công việc khác, mang tính chất "vừa đối nội, vừa đối ngoại". Đó là lý do các phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện dã chiến đều sang Bentiu trước một tháng, vừa để tiếp quản bệnh viện dã chiến cũ, vừa tiền trạm để truyền đạt lại cho đồng đội của mình. Nhưng năm nay, vì những lí do khác nhau, nên anh Tân không có chuyến đi tiền trạm như những người đồng cấp tiền nhiệm.
"Được tiền trạm, tôi chỉ mất khoảng một tháng để làm quen, còn không, có khi nhiều hơn một chút. Nhưng tôi tin, khi mình cố gắng thì mọi thứ sẽ ổn vì đã được lắng nghe những người đi trước chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệp rồi", vị thiếu tá trẻ cho biết.
Trước hôm lên đường (ngày 28/6), thiếu tướng Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nói trong đêm tiệc gặp mặt, chia tay chiến sĩ lên đường tham gia Bệnh viện Dã chiến 2.5: "Tôi cảm nhận được sự yêu thương của mọi người ở đây. Các chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ tại Nam Sudan cũng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tôi mong mọi người sẽ yêu thương nhau để cùng nhau trưởng thành".
Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã cử 533 lượt cán bộ, sĩ quan quân đội và 4 sĩ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các Phái bộ. Trong đó, 4 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan với 252 cán bộ, nhân viên y tế; Đội công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên đến Abyei và 100 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân đến nhiều địa bàn. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này của Việt Nam đạt 16,6%, cao hơn so với các quốc gia khác.
Xuân Khánh