Rất nhiều người sẽ bất ngờ khi nghe một người Thạch Thất (một huyện nay thuộc Hà Nội) thốt lên câu cảm thán “ồi giới ơi...” và thầm thắc mắc không biết người ta đang nói cái gì. Có vẻ như lần đầu nghe thấy câu này bạn sẽ không hiểu, mà thực chất đây là câu cảm thán quen thuộc của người Việt: “Ối giời ơi...”. Nhưng vì người Thạch Thất nhấn trọng âm của câu vào chữ "giời" (cách nói khác của chữ “trời”) và đổi dấu huyền thành dấu sắc, thay vì nhấn trọng âm của câu đó vào chữ "ối" như bình thường, nên không ít người Việt Nam khi nghe câu rất quen thuộc này cũng không hiểu.
Việc nhấn âm vào một hoặc vài từ nào đó trong một câu gọi là ngữ điệu. Thực sự ngữ điệu có ảnh hưởng không hề nhỏ tới việc tiếp thu và hiểu đúng thông tin trong giao tiếp. Đặc biệt là với tiếng Anh, ngữ điệu không chỉ giúp người bản ngữ hiểu điều ta đang nói, mà còn thể hiện cả thái độ, ý tứ sâu xa của lời nói. Nếu bạn hiểu đúng, rèn luyện tốt cách nói trọng âm và ngữ điệu chuẩn thì sẽ vừa nói tốt tiếng Anh, vừa nghe tốt và hiểu đúng mọi ẩn ý sâu sắc của người bản ngữ trong giao tiếp.
Tôi đã gặp và trao đổi với nhiều chuyên gia tiếng Anh bản ngữ để tìm hiểu tường tận điều gì khiến người bản ngữ cảm thấy khó hiểu khi nghe người Việt Nam nói tiếng Anh, thì nhận được một kết quả thú vị: đó là trọng âm và ngữ điệu chứ không chỉ ở vấn đề phát âm của người Việt. Dĩ nhiên phát âm đúng và nói đúng từ, đúng câu là những yếu tố quan trọng hàng đầu rồi, nhưng với nhiều người Việt đã có thể giao tiếp tiếng Anh một cách độc lập thì việc nói sai trọng âm và sai ngữ điệu cũng dẫn tới kết quả là người bản ngữ không hiểu hoặc hiểu sai hẳn ý của bạn.
Vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, nên mọi từ đều được phát âm rõ ràng khi nói, và ngữ điệu vì thế mà thường đi ngang, hay nói cách khác là ta ít khi nhấn thật mạnh vào một từ nào đó trong câu nếu không có ý gì đặc biệt. Tiếng Việt trầm bổng trong con mắt của người nước ngoài là vì nó có sáu thanh điệu và sáu thanh điệu này thay đổi liên tục trong câu nói. Về xu hướng ngữ điệu thì chúng ta có xu hướng nhấn cao giọng vào cuối câu (nhất là câu kết thúc với dấu sắc, ví dụ “Hôm nay đi chơi vui lắm”). Chính vì thế khi nói tiếng Anh, chúng ta cũng mang thói quen ngữ điệu của tiếng Việt vào để nói, và câu tiếng Anh chúng ta nói thường có ngữ điệu đi ngang hoặc có xu hướng lên giọng về cuối.
Ngược lại, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, một từ thường được ghép bằng nhiều âm tiết. (Ví dụ như từ Factory – nhà máy – có ba âm tiết, và trọng âm nhấn vào âm đầu tiên FACtory). Cho nên khi nói nhanh, họ không thể nói rõ ràng từng âm, mà phải dùng trọng âm để nhấn âm chính của từ. 90% ngữ điệu tiếng Anh là xuống giọng (falling tune), tức là trong một từ, một cụm từ và trong một câu (thường là câu trần thuật) thì họ nói xuống thấp giọng dần như một quả bóng lăn xuống từng bậc thang (stair-case intonation).
Ví dụ: “Factory” sẽ nói xuống giọng bậc thang như hình dưới đây:
Hoặc câu: “Julia is beautiful” sẽ nói theo bậc thang như sau:
Ngoài ra, còn ngữ điệu phổ biến thứ hai trong tiếng Anh là “xuống-lên” (fall-rise) khi muốn thể hiện sự nghi vấn, sự ngạc nhiên.
Phần lớn người Việt Nam sẽ thường nói tiếng Anh với ngữ điệu “xuống-lên” này, vì nó khá gần với ngữ điệu của tiếng Việt. Chính vì thế người bản ngữ khi nghe người Việt Nam nói tiếng Anh thường có cảm giác như ta đang hỏi họ hay thể hiện sự ngạc nhiên của ta nhiều hơn là ta đang trình bày một ý gì đó bình thường. Và nếu cứ nói với xu hướng lên giọng như vậy thì thực sự có rất nhiều câu ta nói buồn cười, ví dụ “I love you” sẽ dễ bị nói thành (Ai lớp VÍU), nó cũng giống như cảm giác buồn cười khi bạn nghe một người nước ngoài tỏ tình bằng tiếng Việt là “ành YẾU èm” vậy.
Từ đây, ta rút ra một kinh nghiệm rất hiệu quả để điều chỉnh ngữ điệu khi nói tiếng Anh đó là bạn hãy thường xuyên nói hạ giọng ở cuối câu thay vì lên giọng, tức là bạn nên tập nói tiếng Anh với xu hướng dùng dấu huyền nhiều hơn là dùng dấu sắc. Mỗi khi bạn định nói tiếng Anh với dấu sắc, bạn hãy dùng thanh huyền.
Ngữ điệu tiếng Anh có quy tắc phải nhấn vào từ nào và từ nào không cần nhấn. Nhưng nó cũng có sự biến đổi cách nhấn giọng, mà mỗi khi ngữ điệu thay đổi, nhấn vào từ khác, thì ý nghĩa cũng thay đổi theo đáng kể. Bạn hãy xem ví dụ sau:
1. “The film is pretty GOOD.” (Phim này khá hay). Nếu bạn nghe người bản ngữ nhấn vào chữ “good” thì có nghĩa là người ta khen phim này hay, và người ấy rất thích bộ phim đó.
2. “The film is PRETTY good.” Nếu người bản ngữ nhấn vào từ “pretty” thì không hẳn họ đang khen phim hay, mà sự thực họ có ý nói là bộ phim đó cũng được, và người ta không thích bộ phim đó lắm.
Hoặc một loạt sự thay đổi từ nhấn mạnh trong cùng một câu “I didn’t say he stole the money.” – Tôi không nói anh ấy ăn trộm tiền – sẽ mang hàm ý khác hẳn nhau như sau:
1. I didn't say he stole the money. Khi nhấn vào “I” thì người nói có hàm ý là “tôi” không phải là người nói, mà ai đó khác nói điều ấy.
2. I DIDN’T say he stole the money. Khi nhấn vào “I didn’t” thì người nói có hàm ý là điều đó không đúng, tôi không nói thế.
3. I didn't SAY he stole the money. Khi nhấn vào “say” thì người nói có hàm ý là tôi không nói, mà tôi chỉ suy luận hoặc gợi ra khả năng như vậy thôi.
4. I didn't say HE stole the money. Khi nhấn vào “he” thì người nói có hàm ý là tôi không nói anh ta, mà nói người khác cơ.
5. I didn't say he STOLE the money. Khi nhấn vào chữ “stole” thì người nói có ý là không nói anh ta ăn trộm tiền, mà có thể anh ta chỉ mượn hoặc cầm nhầm thôi.
6. I didn't say he stole THE money, but rather some other money. Khi nhấn vào “the” thì hàm ý của người nói là anh ta không lấy tiền ấy, mà là tiền khác cơ. (“The” có nghĩa là ấy, đó)
7. I didn’t say he stole the MONEY. Khi nhấn vào “money” thì người nói có hàm ý là anh ta không ăn trộm tiền, mà là ăn trộm thứ khác cơ, ví dụ như trang sức chẳng hạn.
Đến đây chắc bạn đã nhận ra vai trò rất quan trọng của ngữ điệu trong tiếng Anh. Nó mang rất nhiều ẩn ý sâu sắc của người nói, và chứa đựng cả văn hóa giao tiếp. Thật may mắn là bạn hoàn toàn có thể luyện tập nó để có thể trở nên am hiểu hơn và giao tiếp hiệu quả hơn vì ngữ điệu tiếng Anh căn bản là có quy luật mà bạn có thể học không mất nhiều sức lực.
Là một thầy giáo dạy tiếng Anh lâu năm, tôi khuyên các bạn trình tự luyện nói tiếng Anh nên luyện như sau: Bạn hãy bắt đầu bằng việc tập từng âm vị nhỏ (các âm trong bảng phiên âm) để rèn luyện những cách phát âm khác lạ so với tiếng Việt một cách tỉ mỉ. Khi nắm rõ cách nói của từng âm rồi, bạn sẽ luyện sang phần trọng âm của từng từ, và cách luyện hiệu quả nhất là nghe chứ không phải là nhìn dấu trọng âm rồi ghi nhớ - vì nghe sẽ làm cho bạn “cài đặt” trọng âm của từ một cách tự nhiên và chính xác trong đầu bạn.
Chính trọng âm và các loại âm vị khi nói thành từ và cụm từ sẽ tạo ra hiện tượng nối âm và đồng hóa âm... và lúc này bạn có thể bắt đầu tập nói nhanh được các cụm từ ngắn rồi đến câu dài hơn. Sau đó là bạn luyện các mô hình ngữ điệu tiêu chuẩn, rồi tập dần việc dịch chuyển ngữ điệu bằng cách nhấn vào các từ khác nhau để thể hiện các hàm ý khác nhau. Và khi bạn đã thành thạo ngữ âm, bạn sẽ nhận ra một quy luật rất thú vị đó là tiếng Anh có 26 chữ cái nhưng tạo ra 44 âm chính. Ví dụ như chữ “c” thì có thể tạo ra âm /k/ và /s/... Và khi bạn nắm được nguyên tắc các âm ghép với nhau như thế nào, thì lúc đó bạn sẽ căn bản là có thể “ghép vần” tiếng Anh để có thể đọc ngay các từ khi nhìn chữ viết mà không cần tra cứu phiên âm trong từ điển nữa.
Tập đủ quy trình này, bạn sẽ có một khả năng nói tiếng Anh rất linh hoạt, sáng ý, và rõ nghĩa, đồng thời bạn cũng sẽ có khả năng nghe tiếng Anh tốt hơn rất nhiều lần. Nói và nghe tốt sẽ khiến bạn học tiếng Anh dễ dàng và có cảm hứng hơn nhiều, đồng thời có được sự tự tin hơn hẳn trong giao tiếp.
Thầy giáo Nguyễn Anh Đức
Tác giả cuốn sách “Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh”