Cần tìm mua pin cho đèn flash của máy ảnh, Irina Werning, nhiếp ảnh gia ở Buenos Aires, đến một cửa hàng địa phương, song giá quá cao. Cô sau đó phải săn lùng ở nhiều cửa hàng, siêu thị khác tại thủ đô Argentina mới có thể mua được món đồ mình cần với giá hợp lý hơn.
"Tôi đã quen với điều này. Kể từ khi tôi sinh ra, thậm chí trước khi cha tôi chào đời, đất nước này đã có lạm phát. Đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày", Werning nói với Guardian. "Tôi 46 tuổi, trong đó 36 năm trải nghiệm lạm phát hai con số. Tính trung bình thì mỗi năm lạm phát 80%".
Tỷ lệ lạm phát ở Argentina được dự báo đạt ba con số vào năm tới, biến quốc gia này thành một trong những nước có mức lạm phát cao nhất toàn cầu.
Tỷ giá hối đoái của đồng peso Argentina hiện nay là 147 peso đổi một USD, nhưng Werning cho biết tỷ giá trên thị trường chợ đen trung bình là 290 peso/USD. Tiền giấy trở nên vô giá trị đến mức chồng của Werning quyết định dán những tờ 10 peso lên tường, vì chúng còn rẻ hơn giấy dán tường.

Chồng của Werning sử dụng những tờ tiền mệnh giá 10 peso thay cho giấy dán tường. Ảnh: Guardian.
Theo Bloomberg, tỷ giá hối đoái của đồng peso Argentina dự kiến chạm mức 173 peso/USD vào cuối năm nay và có thể lên 310 peso/USD vào cuối năm 2023.
Lạm phát khiến việc mua sắm những món đồ đơn giản trở thành hành trình kéo dài nhiều giờ để tìm ra nơi có giá tốt nhất. Đây là một trong những cách Werning học được trong cuộc sống tại Argentina.
Quốc gia Nam Mỹ đang trải qua lạm phát hàng năm cao nhất trong ba thập kỷ, được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu nguồn cung lương thực, chi phí năng lượng tăng và suy giảm kinh tế toàn cầu do chiến sự Ukranie.
Khi phần còn lại của thế giới đối phó với giá cả leo thang, không nền kinh tế lớn nào hiểu rõ cách quản lý cuộc sống trong lạm phát tốt hơn Argentina. Đó là thực tế mà người dân nước này đã đối mặt trong gần nửa thế kỷ.
Ngân hàng trung ương nước này thậm chí tiếp tục in tiền để bù đắp thâm hụt tài khóa, trong khi vẫn nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hàng tỷ USD. Thâm hụt tài khóa là khoảng chênh lệch giữa tổng thu nhập và tổng chi tiêu của chính phủ.
Khi chứng kiến ngày càng nhiều quốc gia bị lạm phát tấn công trong năm nay, Werning bắt đầu chụp lại các khoảnh khắc người Argentina học cách sống chung với tình trạng tài chính bất ổn.
Trong các bức ảnh của cô, người dân phải tích trữ những sản phẩm giá hời, luôn mang theo tiền mặt phòng trường hợp thấy đồ giảm giá, hoặc đổi xe hơi lấy xe máy. "Giống như cách người Anh nói về thời tiết, dân Argentina nói về lạm phát mỗi ngày với người lạ, gia đình, bạn bè. Đó là một phần trong cuộc sống", cô nói.
Theo Guardian, cứ 10 người Argentina thì có 4 người sống ở dưới mức nghèo khổ, trong khi khoảng 60% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói trong thời kỳ đại dịch.
"Những gì đang xảy ra là điều tồi tệ nhất mà một xã hội có thể chịu đựng. Nhóm dễ bị tổn thương giờ càng khổ hơn, những người giàu lại ngày càng giàu. Ai muốn sống trong một xã hội như thế?", Werning đặt câu hỏi.

Người dân đứng tại quầy trao đổi hàng hóa, một hoạt động trong cuộc biểu tình chống lương thấp và lạm phát tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, ngày 3/10. Ảnh: AFP.
Người Argentina có mối quan hệ phức tạp và độc đáo với tiền bạc. Quốc gia Nam Mỹ này gần như vận hành bằng tiền giấy. Khi tiền giấy đang gần như trở nên vô giá trị, người dân cất tiền dưới đệm hoặc trong két sắt, thay vì gửi ngân hàng. Họ cũng cố gắng tiêu hết tiền ngay khi nhận được lương để đề phòng nguy cơ tiền mất giá thêm.
"Cảm giác như tiền đang cháy trong tay", Werning nói. "Thật kỳ lạ, bởi bạn nghèo nhưng phải cố gắng tiêu tiền mọi lúc để bảo vệ bản thân trước lạm phát".
Trong khi đó, nhiều người Argentina có mức lương cao thường lập tức đổi đồng peso sang USD hoặc bất kỳ loại tiền tệ nào mất giá thấp hơn. Những giao dịch này hầu như diễn ra tại chợ đen.
Werning nói rằng đây là lời cảnh báo cho mọi người. "Chúng tôi trở nên dễ bị tổn thương trước lạm phát. Càng dễ tổn thương, càng gặp phải nhiều vấn đề tồi tệ hơn", nhiếp ảnh gia này nói.
Đức Trung (Theo Guardian, Reuters)