"Các cơn gió mạnh như bão hoành hành khoảng 1/3 số ngày trong năm, loại lạnh hiếm thấy ở những nơi khác ngoài Bắc Cực, và lượng mưa cũng vô cùng lớn", nhà truyền thông khoa học Maiya May nói về núi Washington, nơi được coi là có thời tiết tồi tệ nhất thế giới.
Đỉnh của ngọn núi tương đối nhỏ này từng giữ kỷ lục về tốc độ gió cao nhất hành tinh suốt hơn 60 năm, khi các chuyên gia đo được một cơn gió giật với tốc độ 372 km/h vào tháng 4/1934. Kể cả vào mùa hè, khi những cơn gió lặng nhất, chúng vẫn đạt tốc độ trung bình khoảng 40 km/h.
"Về cơ bản, chúng tôi bắt gặp gió tốc độ 160 km/h mỗi tuần một lần trong mùa đông. Thông thường, một cơn gió giật 160 km/h là đủ để đẩy ngã tôi, và tôi từng thấy gió với tốc độ lên đến 225 km/h", Tom Padham, nhà quan sát thời tiết núi Washington, cho biết.
Núi Washington cũng rất ẩm ướt với lượng mưa trung bình hơn 2.286 mm mỗi năm và hơn 7.163 mm tuyết, băng, mưa đá. Tại đây, trời có sương mù khoảng 2/3 thời gian. Đỉnh núi cũng dễ bị sét đánh trực tiếp.
Nhiệt độ trên núi cũng không hề dễ chịu. Mức nhiệt trung bình hàng tháng dao động từ -14,4 độ C vào tháng 1 đến 10 độ C vào tháng 7. "Bất cứ vùng da nào lộ ra ngoài, kể cả chỉ một mm da, đều có cảm giác giống như bị ong đốt hoặc cháy nắng nhẹ, nên chắc chắn ở đây không mấy dễ chịu", nhà quan sát thời tiết Francis Tarasiewicz cho biết hồi tháng 2 năm nay. Đầu tháng đó, do sự kết hợp giữa gió 177 km/h và đợt lạnh từ Bắc Cực, Đài quan sát Núi Washington thiết lập kỷ lục mới khi đo được đợt gió lạnh nhất từng ghi nhận tại Mỹ, chạm mức -78 độ C, với nhiệt độ thực tế là -43 độ C.
Francis Tarasiewicz, kỹ sư tại Đài quan sát Núi Washington, nhận xét một cách hài hước rằng phần lớn những vấn đề thời tiết trên ngọn núi này là do "may mắn". Những điều kiện độc đáo của ngọn núi đến từ sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như độ cao, vị trí địa lý, vĩ độ trên Trái Đất, tất cả đều góp phần khiến thời tiết trở nên tệ nhất có thể.
Ví dụ, núi Washington nằm gần như ở giữa Bắc Cực và xích đạo - ngay trên đường đi của dòng tia cực. Dải gió này nhận năng lượng từ sự va chạm của không khí lạnh từ phía bắc và không khí ấm từ phía nam. "Ở vĩ độ trung bình, chúng tôi thường xuyên gặp nhiều bão. Nhưng điều tạo nên sự khác biệt là chúng tôi đang ở trong vùng khí quyển rất ẩm ướt. Sự ẩm ướt dẫn đến những hiện tượng như mất ổn định", Tarasiewicz cho biết.
Việc ngọn núi cách biệt với địa hình xung quanh khiến tình hình trở nên tệ hơn. "Đây là ngọn núi cao nhất trong khoảng 1.600 km, nên tất nhiên không có nhiều yếu tố địa hình làm chậm dòng tia khi nó đi xuyên qua Mỹ, tiến vào New England", Tarasiewicz nói thêm.
Những cơn gió lạnh giá còn được tăng cường gấp 4 lần do hiệu ứng Venturi. Cụ thể, núi Washington không chỉ nằm trên đường đi của dòng tia mà còn nằm trong một dạng phễu tự nhiên khổng lồ, giúp nén và tăng tốc luồng không khí trên và xung quanh đỉnh núi.
Thu Thảo (Theo IFL Science)