Huyện Trà Bồng cách TP Quảng Ngãi 60 km về phía Tây Bắc từ lâu đã nổi danh là miền đất của cây quế. Nhưng vào ngày lễ bắt đầu mùa xuân, mùa thu hằng năm, người dân khắp nơi không chỉ đến đây mua quế, mà để thành kính dâng hương ở điện Trường Bà - ngôi đền thờ thánh mẫu Thiên Y A Na.

Điện Trường Bà ngày cận Tết Nhân dầm. Ảnh: Phạm Linh
Bà Thiên Y A Na (bà Ponagar) vốn là nữ thần của người Chăm, đền thờ bà được xây ở nhiều nơi ở dải đất Nam Trung Bộ. Điểm đặc biệt của Điện Trường Bà là tọa lạc trên miền núi, khác với các đền tháp khác nằm dọc biển.
Theo truyền duyết dân gian, khi miền đất Trà Bồng còn rậm rạp, hoang vu, có rất nhiều thú dữ rập rình. Nhờ có thánh mẫu Thiên Y Na diệt ác thú, khử yêu ma, khai sơn trị thủy và giúp dân làm ăn mà người dân được an lạc, no đủ. Để cảm tạ công đức của bà, người dân lập đền thờ phụng.
Sách Đại Nam nhất thống chí quyển III (chép về Quảng Ngãi) của triều Nguyễn ghi nhận, điện Trường Bà là một trong 17 đền, miếu tiêu biểu của Quảng Ngãi. Điện Trường Bà và lễ hội ở đây đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia năm 2014.
Không có cứ liệu xác định chính xác niên đại của điện Trường Bà, do các sắc phong bị cháy trong chiến tranh. Nhưng nữ thần Thiên Y A Na đã in sâu vào tâm thức của người dân Trà Bồng.
Ông Trần Kim Thật, Trưởng ban quản lý Điện Trường Bà, nói rằng tục thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na của người Chăm cũng tương đồng với tục thờ Mẹ Bếp, một nữ thần trong tín ngưỡng đa thần giáo của người Cor ở Trà Bồng; sự tôn thờ mẹ của người H'Re, đạo Mẫu của người Việt.
Do đó, bà thánh mẫu ở điện Trường Bà trở thành người mẹ chung của các dân tộc anh em, với nhiều tên gọi như Thiên Y A Na, Thánh Mẫu Nương Nương, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Chúa Ngọc...
Ngoài thờ thánh mẫu, Điện Trường Bà còn thờ hai vị nhân thần là Trấn Quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Dõng. Đây là hai nhân vật lịch sử có những đóng góp to lớn trong việc ổn định vùng đất từ Quảng Nam đến Phú Yên.
Dấu vết tín ngưỡng của cư dân gốc Hoa cũng hiện diện với việc thờ Quan Công (Quan Vũ, tự Vân Trường), vị tướng được tôn thờ vì trung can, nghĩa khí. Sở dĩ có sự kết hợp độc đáo như vậy bởi Trà Bồng là nơi giao thương, buôn bán. Ngoài người Cor, H'Re, Cadong, Chăm, Kinh, còn có nhiều người Hoa qua phố cổ Hội An đến đây mang theo mắm muối, vải vóc để đổi quế, mật ong.

Người dân thắp hương trước tượng ngài bạch hổ ở thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng. Ảnh: Phạm Linh
Nhưng không chỉ thờ thánh mẫu và các vị nhân thần, điện Trường Bà còn lưu truyền huyền thoại ly kỳ về ngài bạch hổ. Đến thăm, du khách thấy ngài bạch hổ ngự trước điện. Ngoài ra, cách điện khoảng 2 km về phía Đông Nam, còn có mộ và tượng bạch hổ.
Ông Trần Kim Thật kể ngày xưa khai thiên lập địa, chưa có người đứng ra làm ông cả của làng giúp đỡ bà Thiên Y A Na. Vào ngày lễ bắt đầu mùa xuân, mùa thu, ngài hổ xuất hiện nằm ở sân điện. Xong ba ngày ba đêm lễ bà, hổ trắng mới dẹp các loài thú dữ xuống bắt heo, bắt người. Sau đó, quan phủ trình vua triều Nguyễn công nhận ngài là Bạch hổ đại tướng quân chi thần vì có công giữ bình yên cho nhân dân.
Cách mộ bạch hổ 50 m về phía Đông có hang đồi Xôi, tương truyền xưa là nơi bạch hổ về trú ngụ.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho rằng đền thờ ngài bạch hổ chính là đền thờ Kha Hổ được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Tự Đức.
Tương truyền khoảng đầu đời Gia Long có con cọp sắc trắng, thường ở trong núi Xuân - Sơn, không làm hại người và súc vật. Nếu có ai đến cướp gia súc của người dân, cọp thường đón đường đuổi đi. Mỗi lần đi mò cá dưới sông, người dân hay ném cá cho cọp ăn. Nếu có cọp khác đến, con cọp trắng này đánh đuổi.
Người dân tôn con cọp này làm "Ông Anh Cả". Mỗi lần tế tự còn đem đầu heo, đầu bò cho cọp. Khi chết, hồn "Ông Anh Cả" ứng lên, báo cho dân biết đã chết rồi. Người dân bèn lập đền thờ cạnh núi, gọi là đền Kha Hổ.
Tiến sĩ Vũ đặt ra hai giả thiết cho việc thờ cọp. Nó có thể bắt đầu từ việc quá sợ cọp như một quyền lực tối thượng, nhất là khi mới đầu khai hoang lập ấp ở vùng núi, mà huyền thoại, thần thánh hóa để thờ phụng.
Hoặc việc thờ bạch hổ bắt đầu từ tín ngưỡng của người Hoa, khi họ đến buôn bán, rồi sau đó còn có một bộ phận định cư luôn ở Trà Bồng, coi Bạch Hổ là linh vật giám hộ hướng Tây, đầy uy quyền, là một phúc thần. Nhiều người Việt vẫn thờ hổ như một cách thực hành đạo Mẫu.
Những câu chuyện trên mang màu sắc tín ngưỡng, huyền thoại, song việc thờ phụng nữ thần Thiên Y A Na, các vị nhân thần và bộ tướng bạch hổ giúp người dân an tâm trong quá trình khai sơn, trị thủy. Đây còn là biểu tượng cho sự đồng lòng của các dân tộc ở đất Trà Bồng.
Hàng nghìn người dâng hương thánh mẫu Thiên Y A Na ở Điện Trường Bà. Video: Phạm Linh