Venezuela là nơi có giá xăng dầu thấp nhất thế giới, khi người dân nước này chỉ cần trả chưa đến 0,01 USD là đã có thể đổ đầy một bình xăng. Tuy nhiên, kinh tế Venezuela đang lao dốc với mức lạm phát cao đến mức người dân ở đây không còn dùng tiền để đổ xăng, mà đổi bằng thực phẩm, kẹo hay thậm chí là một điếu thuốc lá.
Hình thức "hàng đổi hàng" ở các cây xăng đã diễn ra trong bối cảnh tình trạng siêu lạm phát của Venezuela khiến đồng nội tệ bolivar rớt giá thê thảm và gần như trở nên vô dụng, do vậy nhiều người không muốn nhận tiền mặt nữa.
Không có tiền trong ví, các tài xế thường đưa cho nhân viên bán xăng một túi gạo, chai dầu ăn hay bất cứ thứ gì họ có trong xe.
"Bạn có thể trả bằng một điếu thuốc lá", Orlando Molina, tài xế đang đổ xăng cho chiếc Ford Ka ở Caracas, cho biết. "Ai cũng biết rằng xăng giờ rẻ như cho".
Giá xăng dầu đã xuống thấp đến độ các nhân viên bán xăng ở đây thậm chí còn chẳng biết giá niêm yết. Nhiều tài xế không có tiền còn được vẫy tay cho qua sau khi đổ xăng mà không phải trả bất cứ đồng nào.
Việc đổi hàng hóa lấy xăng dầu có lẽ khiến nhiều lái xe ở nước khác ghen tị, nhưng đó lại là một trong những triệu chứng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela.
Quốc gia Nam Mỹ với gần 30 triệu dân đang bị bóp nghẹt bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Người dân Venezuela sống với cảm giác bất an rằng bất cứ điều gì, từ những cuộc biểu tình trên phố đến những lần mất điện diện rộng, có thể khiến cuộc sống của họ trở nên hỗn loạn bất cứ lúc nào.
Hơn 4 triệu người Venezuela gần đây đã rời bỏ đất nước, với mong muốn thoát khỏi tình trạng lương thấp, các bệnh viện xuống cấp, các dịch vụ cơ bản không được đáp ứng và thiếu an ninh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng lạm phát ở Venezuela có thể chạm mức 200.000% trong năm nay. Năm 2018, trong một nỗ lực vô vọng ứng phó với lạm phát, Venezuela đã xóa bỏ 5 số không trên đồng bolivar. Vật giá leo thang chóng mặt sau đó đã "nuốt chửng" các mệnh giá tiền mới.
Đồng tiền mệnh giá thấp nhất ở Venezuela hiện nay là 50 bolivar cũng chỉ có giá trị bằng 1/4 cent Mỹ (100 cent = 1 USD). Xe bus thành phố hay thậm chí nhiều ngân hàng còn không muốn nhận tiền mệnh giá này, bởi họ sẽ phải dùng một cọc tiền dày cộp để trả cho những mặt hàng nhỏ nhất. Mệnh giá tiền lớn nhất ở Venezuela hiện nay là 50.000 bolivar, tương đương 2,5 USD.
Ngoài tình trạng siêu lạm phát, Venezuela còn đối mặt với khủng hoảng chính trị sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn tự xưng là tổng thống lâm thời, trực tiếp thách thức quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro.
Giá xăng là một vấn đề nghiêm trọng có tính sống còn ở Venezuela. Khoảng 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn năm 1989, sau khi tổng thống Venezuela khi đó ra lệnh tăng nhẹ giá xăng.
Trong bối cảnh nền kinh tế đổ vỡ, Tổng thống Maduro vẫn chưa tăng đáng kể giá xăng dầu, chiến lược có lẽ được rút ra từ những cuộc biểu tình bạo lực gần đây đã buộc Tổng thống Ecuador Lenin Moreno phải từ bỏ các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" và ngừng trợ giá xăng.
Ông Maduro nhận thức được rằng công ty xăng dầu quốc doanh, PDVSA, đã chịu lỗ hàng tỷ USD mỗi năm bởi chênh lệch lớn giữa giá xăng dầu và chi phí sản xuất.
Ở thời điểm ổn định nhất, việc đổ đầy một bình xăng ở Venezuela chỉ mất một vài cent Mỹ. Lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ đã khiến giá xăng dầu còn tụt sâu hơn.
Bà Maria Perez trong một lần đổ xăng gần đây ở Caracas đã đưa cho nhân viên bán xăng số tiền tương đương 1 cent Mỹ, mệnh giá tiền nhỏ nhất mà bà có trong túi. Bà cho biết rằng đa số lái xe sẵn sàng trả đúng giá xăng dầu nếu chính phủ sử dụng tiền đó để đầu tư vào dịch vụ công.
"Không thể chịu nổi những con đường ở đây. Những ổ gà này không chỉ phá xe của chúng tôi mà còn khiến chúng tôi gặp nguy hiểm", bà Perez nói.
Tài xế ở thủ đô Caracas chưa phải chịu cảnh xếp hàng nhiều cây số để mua xăng như nhiều địa phương khác trên Venezuela. Giới chức Venezuela đổ lỗi tình trạng khan hiếm xăng dầu này là do các lệnh cấm vận của Mỹ đối với tập đoàn PDVSA.
Nhân viên bán xăng Orlando Godoy sẵn sàng nhận thức ăn và đồ uống từ các tài xế mua xăng, dù đó chỉ là một túi bột mì hay một chai nước ép xoài. Ông chỉ nhận được mức lương thấp nhất, một vài USD mỗi tháng, do đó những đồ ăn kia sẽ giúp ông nuôi gia đình mình.
"Nhiều người đến và nói rằng họ không có tiền để đổ xăng. Ý tưởng hàng đổi hàng này là cách để giúp mọi người, bởi Venezuela đang trải qua tình hình rất khó khăn", Godoy nói về việc mọi người đổi thực phẩm lấy xăng dầu.
Quốc Hưng (Theo AP)