Hồ muối ở Dallol. Ảnh: Science Alert. |
Nhà vi trùng học Jodie Belilla ở Đại học Paris-Sud và cộng sự sử dụng nhiều phương pháp phân tích để nghiên cứu hàng loạt mẫu vật lấy từ 4 khu vực thuộc tổ hợp suối địa nhiệt Dallol tại lòng chảo Danakil trong ba chuyến khám phá thực địa từ năm 2016 đến năm 2018.
Bề mặt Dallol phủ đầy hồ miệng hố siêu mặn với axit cực mạnh, tạo thành nhiều màu sắc rực rỡ như xanh lá cây, vàng, cam và nâu. Nhìn từ xa, khung cảnh giống như ở thế giới khác nhưng thực tế, các hồ nước nóng chứa khí độc được nung bởi núi lửa ẩn bên dưới bề mặt. Với môi trường cực hạn, Dallon từ lâu đã trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà khoa học.
Theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 28/10 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, nhóm của Belilla cho rằng không thể tìm thấy sự sống vi khuẩn xuất hiện tự nhiên ở hệ thống hồ tại Dallol. Họ xác định có hai rào cản lý hóa ngăn sự sống phát triển tại đây dù có nước lỏng trên bề mặt.
Một rào cản là nước muối có hàm lượng magiê cao, khiến tế bào phân hủy thông qua quá trình mang tên chaotropicity (tạo ion làm tan màng sinh học). Rào cản còn lại là nồng độ axit ở mức độc hại, dẫn tới phân tử không thể thích nghi cùng lúc với độ pH rất thấp và lượng muối cực cao. Belilla và đồng nghiệp kết luận trước khi tìm thấy bằng chứng thuyết phục, Dallon là nơi khó sinh sống nhất và không thể cải tạo.
An Khang (Theo Science Alert)