Cậu tỏ ra nhiệt huyết, cảm thông với đời sống đồng bào và tư duy tương đối hiện đại. Nhưng trong câu chuyện của chúng tôi, dù đã cố cởi mở, vẫn không tránh được bóng dáng của một cuộc đối thoại giữa phóng viên và quan xã.
Tôi hỏi cậu thông tin về một vụ tham nhũng trên địa bàn. Những con bò hỗ trợ người dân một xóm nghèo “đi lạc” vào nhà cán bộ huyện. Chính phủ cho mười con bò thì xuống xóm còn có bảy con, những người dân sống trên núi nói với tôi bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu như thế.
Sự việc đã xét xử xong. Cán bộ huyện bị khởi tố và phải khắc phục hậu quả. Nhưng cậu chủ tịch xã, trong cuộc nói chuyện, vẫn giữ thái độ dè chừng: cậu không thể kể vì một thứ mà cậu mô tả là “nhạy cảm”, vì cảm thức mơ hồ về một thứ bất trắc nào đó.
Chưa bao giờ tôi tìm hiểu thông tin về một vụ việc đã có kết luận của chính quyền, tưởng là chuyện rõ như ban ngày mà lại khó khăn đến thế. Tôi không thể biết rõ ngọn ngành. Người dân cũng không được thông báo về vụ việc. Cán bộ thì trả lời ngập ngừng và lảng tránh vì “vấn đề nhạy cảm”.
Chàng trai đó, trẻ và ít nhiều dám dấn thân đến vùng sâu, vùng xa, nhưng cũng đã nhanh chóng bắt nhịp được với cách hành xử phổ biến, tôi tạm gọi là "tự kiểm duyệt".
Bản thân hành động tự kiểm duyệt vốn không xấu, thậm chí trong nhiều trường hợp còn cần thiết. Tự kiểm duyệt để tránh các vấn đề vi phạm đến quy định của luật pháp, chuẩn mực đạo đức; tránh tổn hại đến các nhóm người dễ tổn thương... Nghĩa là hành động tự kiểm duyệt thực sự có ý nghĩa nếu nó hướng đến lợi ích của cộng đồng, sự tiến bộ, dân chủ của xã hội.
Nhưng ở ta, khái niệm tự kiểm duyệt được nhắc tới là khi người ta từ chối nhắc đến một vấn đề với lý do “nhạy cảm”. Còn thế nào là “nhạy cảm”, không có ai quy định, chỉ biết là người ta tự cảm thấy nên tránh đi các vấn đề có thể tạo ra xung đột, để đỡ rắc rối cho bản thân, để nương ý cấp trên và đỡ tổn hại đến lợi ích - thứ lợi ích đôi khi mang tên "quốc gia".
“Nhạy cảm” trở thành một tấm khiên bất hoại che chắn. Dù đó có khi chỉ là một cảm giác, một suy đoán nhuốm màu sợ hãi.
Cậu chủ tịch xã đã có thể thẳng thắn kể với tôi về vụ án đó một cách rõ ràng và minh bạch, vì nó là chuyện giấy trắng mực đen. Thậm chí cậu có trách nhiệm phải cung cấp cả thông tin lẫn quan điểm.
Rất nhiều người có cơ hội để làm thế. Rất nhiều vấn đề cần được minh bạch. Nhưng họ chọn không làm, vì vấn đề đó “nhạy cảm”. Họ tự kiểm duyệt bản thân vì nỗi sợ mơ hồ.
Có một nhà báo nhiều năm trước, trước khi phỏng vấn nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã hỏi người trợ lý của ông rằng có vấn đề nào là “nhạy cảm” cần tránh hỏi Thủ tướng. Câu trả lời là không. Trong buổi phỏng vấn, nhắc lại chuyện đó, ông Kiệt nói với nhà báo rằng, “nhạy cảm” chỉ là cách gọi căn bệnh sợ hãi của những người không dám làm và không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tự kiểm duyệt, thật ra chính là tự sợ hãi.
Ý thức tự kiểm duyệt rất dễ lây lan, đến mức người “nhiễm” không tự nhận ra. Bởi khi tự kiểm duyệt, người ta chọn không làm gì cả. Không làm gì, tưởng như vô hại, và bao giờ cũng dễ dàng hơn là chọn hành động để rồi đối mặt với các nguy cơ rắc rối, thậm chí xung đột có thể phát sinh.
Ý thức tự kiểm duyệt theo chiều hướng này có thể xuất hiện ở cả những người dân bình thường nhất. Người ta không muốn thực hiện quyền giám sát và phản biện được luật pháp quy định, vì những nỗi sợ mơ hồ. Thói quen tự kiểm duyệt này sẽ song hành với một trạng thái tồn tại bấp bênh: người ta sống không dựa vào các nguyên tắc, mà hành xử và phát ngôn dựa trên việc “đón ý”.
Nhưng không làm gì tất nhiên không đồng nghĩa với vô hại thậm chí nó trở thành một lực cản với sự tiến bộ. Xã hội được điều chỉnh dựa trên luật lệ chứ không dựa trên cảm xúc và suy đoán cảm xúc.
Đã bao giờ bạn quyết định rằng mình sẽ không nói lên một ý kiến xây dựng nào đó, dù là trong cơ quan hay chỉ là trên Internet, vì nỗi sợ mơ hồ mang tên "nhạy cảm" này?
Đức Hoàng