"Motae solo" hay "mossol" là từ lóng trong tiếng Hàn, ám chỉ những người chưa từng có mối quan hệ yêu đương. Trong xã hội Hàn Quốc, công khai bản thân là mossol là điều khó chấp nhận.
Yoo, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, nói rằng mọi người đều đặt nghi vấn "có chuyện gì không ổn", nếu biết đối phương là một "mossol". Không riêng Yoo, những người thuộc thế hệ của cô đều có suy nghĩ tương tự.
"Một chàng trai ở độ tuổi đôi mươi, mới tốt nghiệp trung học và chưa có mối tình nào, chúng ta vẫn có thể hiểu được. Nhưng nếu một người 30 tuổi vẫn chưa từng có bạn gái thì đó là một dấu hiệu khiến nhiều phụ nữ dè chừng", Yoo nói thêm.
Trên thực tế, không ít người cho rằng thiếu trải nghiệm lãng mạn là biểu hiện của sự kém hấp dẫn. Điều này càng khiến các "mossol" ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Hoặc nếu có, chúng chỉ được diễn ra trên không gian trực tuyến, nơi mọi người có thể ẩn danh.
Từng nghe nhiều lời đàm tiếu không mấy thiện cảm về các phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi, một cô gái giấu tên thừa nhận luôn nói "có" mỗi khi bị hỏi "có đang hẹn hò với ai không?"
"Và chính bởi nói dối quá nhiều lần, cho đến thời điểm hiện tại, tôi gần như tự đánh lừa bản thân rằng mình không phải là 'mossol'", người phụ nữ ngoài 30 tuổi kể.
Một người khác cũng để lại bình luận trên mạng xã hội "Tôi đã ngoài 20 tuổi và vẫn chưa hẹn hò với ai? Tôi như vậy có kỳ lạ không?". Các câu hỏi tương tự có thể dễ dàng tìm thấy trên các nền tảng mạng xã hội ở Hàn Quốc, phản ánh mối bận tâm về việc trở thành "trai tân, gái trinh".
Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện bởi kênh truyền hình MBC lại cho thấy tỷ lệ độc thân và "mossol" gia tăng trong ở nhóm dân số trẻ. Theo đó, hơn 42% trong số gần 600 phụ nữ và đàn ông được khảo sát, nói rằng chưa từng có mối quan hệ hẹn hò lãng mạn; 21% thừa nhận chưa từng hẹn hò.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, tài chính và sở thích độc thân là những lý do phổ biến khiến những người này chọn không hẹn hò.
"Everyone not in love now are guilty" (bây giờ không yêu ai cũng có tội) là tiêu đề tuyển tập các tiểu luận của nhà biên kịch hàng đầu Hàn Quốc Noh Hee Kyung. Nhận định này không thể đúng hơn trong xã hội Hàn Quốc.
Nhiều cặp đôi khi mới bắt đầu yêu thường công khai thể hiện tình cảm bằng cách mặc đồ đôi. Trên Instagram, nhiều người đăng ảnh kèm theo hashtag #lovestagram (sự kết hợp của từ "love" và "Instagram") được sử dụng để bày tỏ tình cảm với người yêu. Chỉ cần gõ từ khóa này, có thể cho ra hàng nghìn bức ảnh giới trẻ Hàn Quốc thể hiện tình cảm bằng nhiều cách khác nhau.
Thậm chí, những người yêu nhau còn cập nhật số ngày hẹn hò lên trang cá nhân, hoặc đánh dấu cột mốc tình yêu bên nhau bằng các lễ kỷ niệm 100 ngày, 300 ngày, 1.000 ngày.
Có thể thấy từ mạng xã hội đến đời thực, chủ đề tình yêu luôn được đề cao và quan tâm. Nhưng sống trong một môi trường như vậy dễ khiến các "mossol" cảm thấy cô lập.
Lee So Young, khoảng 20 tuổi, nhớ lại trải nghiệm đáng sợ khi luôn nỗ lực tìm đối tượng hẹn hò. Cô có cảm giác như bị tụt lại phía sau so với bạn bè nếu không có bạn trai.
Tại một đất nước coi trọng thành tích học tập như Hàn Quốc, học sinh được phụ huynh, giáo viên ngăn cấm được hẹn hò vì tin rằng điều đó cản trở việc học hành. Nhưng suy nghĩ này nhanh chóng biến mất ngay khi họ bước chân vào trường đại học.
"Năm cấp 3, tôi được yêu cầu phải tập trung hoàn toàn cho việc học và tuyệt đối không được yêu đương. Nhưng ngay khi vào đại học, người thân, bạn bè dồn dập hỏi tôi có đang yêu ai không. Và chính bởi chưa từng có kinh nghiệm tương tác với bạn khác giới, tôi không thể thích nghi với sự thay đổi này", Lee kể.
Minh Phương (Theo Koreaherald)