Trong giao tiếp, người Hàn thường hỏi tuổi ngay từ đầu để xác định cách xưng hô phù hợp. Khi một người nói tuổi, lời khen về ngoại hình trẻ trung gần như trở thành một nghi thức.
Khi ai đó được nhận xét rằng "nhìn trẻ hơn tuổi thật", họ thường lịch sự đáp lại bằng cách khen ngược đối phương. Thói quen này không chỉ phổ biến ở người trung niên mà còn xuất hiện ở cả những người trẻ.
Việc khen ngợi vẻ ngoài phổ biến ở mọi nền văn hóa, nhưng riêng Hàn Quốc, tuổi tác và ngoại hình được bàn luận cởi mở, tiêu chuẩn trở nên chi tiết hơn.
Ám ảnh tuổi tác thể hiện rõ nét trong cách giao tiếp hay lối sống của người Hàn Quốc. Những người trông trẻ hơn tuổi thật được ngưỡng mộ, trong khi nội dung chia sẻ bí quyết duy trì ngoại hình tươi trẻ luôn thu hút sự quan tâm lớn.
Diễn viên Choi Hwa-jung, 63 tuổi, là một ví dụ. Video YouTube của cô về bí quyết chống lão hóa thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem. Cô hướng dẫn từ cách ngăn rụng tóc đến duy trì làn da sáng mịn, không tì vết.
Xu hướng dongan (gương mặt trẻ thơ) cũng xuất hiện khắp nơi, từ quy trình chăm sóc da, hướng dẫn trang điểm đến phong cách sống. Các phòng khám thẩm mỹ tận dụng trào lưu này với hàng loạt quảng cáo và khuyến mãi hứa hẹn trẻ hóa diện mạo, thúc đẩy nhu cầu làm đẹp.
Song Su-jung, 40 tuổi, nói việc xem video khiến cô cân nhắc thử liệu pháp căng da. Cô cảm thấy áp lực khi bạn bè đều thực hiện các phương pháp trẻ hóa còn mình thì chưa.
Trong xã hội tôn vinh tuổi trẻ, chống lão hóa trở thành một cuộc chiến không hồi kết. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều quan trọng là xây dựng mối quan hệ lành mạnh với cơ thể đang thay đổi.
Kim Hyun, nhà tâm lý học lâm sàng tại New York và trợ lý giáo sư tâm thần học tại Đại học Columbia, khuyến khích mọi người quan sát sự thay đổi của cơ thể mà không phán xét.
"Khi thấy nếp nhăn, thay vì nghĩ mình kém hấp dẫn, hãy đơn giản là chấp nhận nó mà không đánh giá tốt hay xấu", Kim nói.
Cô nhấn mạnh việc xem lão hóa là trải nghiệm tự nhiên. Kim cho rằng cảm giác cô lập khi thấy nếp nhăn là điều bình thường, nhưng lão hóa là trải nghiệm chung của tất cả mọi người. Theo cô, chấp nhận điều này giúp con người kết nối tốt hơn.
Ở Hàn Quốc, nơi tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe, Kim khuyến khích mỗi người xác định giá trị cá nhân thay vì chạy theo áp lực ngoại hình. Cô cho rằng tập trung vào điều thực sự quan trọng trong cuộc sống giúp giảm bớt ảnh hưởng từ kỳ vọng xã hội.
Lee Seon-kyung, nhà tâm lý học và CEO của With Insight, gợi ý cách để chấp nhận lão hóa.
"Tự làm mình tổn thương là điều không nên", cô nói. Thay vì chỉ trích cơ thể, mỗi người nên biết ơn vì nó đã đồng hành qua những thăng trầm. Cô cũng nhấn mạnh rằng chia sẻ cảm xúc về lão hóa với người thân có thể giảm lo âu mang lại cảm giác an toàn và hạnh phúc.
"Lão hóa không phải là thứ để chống lại, nó là một phần của cuộc sống cần được đón nhận", Lee nói.
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)