Những vận động viên nhảy dù kỳ cựu vẫn có cảm giác lo sợ. Ảnh: Incredible. |
Để tìm hiểu xem liệu con người có thể ngửi được mùi của sự sợ hãi hay không, các chuyên gia thuộc Đại học Stony Brook (New York, Mỹ) thu gom mồ hôi của vận động viên nhảy dù nghiệp dư. Họ gắn những miếng xốp vào bắp tay và nách của 40 người mới nhảy dù lần đầu tiên. Khi các tình nguyện viên tiếp đất, nhóm nghiên cứu gỡ những miếng xốp để thu mồ hôi. Họ cũng tiến hành phỏng vấn để phân loại những người cảm thấy sợ hãi khi lơ lửng trong không trung.
Các nhà khoa học yêu cầu một nhóm tình nguyện viên thứ hai (gồm cả nam và nữ) ngửi các mẫu mồ hôi. Trong lúc nhóm tình nguyện viên ngửi mồ hôi, nhóm nghiên cứu tiến hành quét não họ. Khi mẫu mồ hôi của những người sợ hãi được đưa ra, vùng não xử lý cảm giác sợ hãi của các tình nguyện viên đột ngột sáng hơn mức bình thường. Điều đó cho thấy não có khả năng nhận dạng những hóa chất gây nên cảm giác sợ trong mồ hôi.
Một số thử nghiệm trước đây cũng chứng minh rằng, mùi mồ hôi mà con người tiết ra trong lúc xem phim kinh dị khác hẳn mùi mồ hôi đổ ra trong lúc xem phim hài. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tỏ ra hoài nghi với kết quả thử nghiệm. Simon Wessely, một chuyên gia tâm lý của Đại học King’s College London (Anh), khẳng định rằng các hóa chất không thể gây nên cảm giác sợ hãi.
Nhiều chuyên gia khác cũng không đồng ý với quan điểm con người, giống như động vật, chịu tác động của những hóa chất mà chúng ta có thể cảm nhận bằng khứu giác. Trong khi đó, một số nhà khoa học thuộc quân đội Mỹ đang cố gắng tạo ra một số hóa chất có khả năng gây nên cảm giác sợ hãi để sử dụng trên chiến trường.
Tuy nhiên, họ không cho rằng cảm giác sợ hãi được mã hóa trong mồ hôi của chúng ta. Một số thử nghiệm cho thấy các mùi của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm bạn tình trong thế giới động vật. Giới khoa học tin rằng con người luôn chọn bạn tình trong số những người có mùi khác với chúng ta. Đó là một bản năng mà tạo hóa ban phát để chúng ta không giao phối nhầm với những người có quan hệ huyết thống.
V.L (theo Livescience)