Tiến sĩ Aya Yadlin-Segal, giảng viên cao cấp tại tại Trường Cao đẳng Học thuật Hadassah (Israel), chia sẻ quan điểm của ông về deepfake:
"Nội dung được tạo từ AI - trong đó có các văn bản, âm thanh và đặc biệt là video deepfake - hình thành nên cái được giới truyền thông gọi là "mặt trận mới" trong cuộc chiến chống lại tin giả. Ở đó, các lực lượng trực tuyến được thành lập với mục đích lan truyền thông tin sai lệch, sản xuất hình ảnh khiêu dâm, hoặc chống phá các hệ thống chính trị. Phát hiện nội dung giả mạo ngày càng khó, nếu không muốn nói là không thể, đối với người chưa có kinh nghiệm.
Nhìn chung, đa số các bài báo về chủ đề này đều nói deepfake, cùng với các công nghệ AI khác, đã tồn tại và sẽ phủ bóng đen của khủng bố công nghệ lên xã hội.
Một phần trong những bài báo ấy cho rằng loài người sẽ lạc hậu và thua trong các trận chiến với máy móc. Viễn cảnh như trong phim Black Mirror sẽ chẳng là gì so với sự hủy diệt thật sự của công nghệ. Nghiên cứu của tôi cùng một đồng nghiệp tại Đại học Haifa (Israel) chỉ ra phần lớn khía cạnh báo chí đề cập đến deepfake đều là tiêu cực. Họ nhấn mạnh sự hủy diệt, thiệt hại và khủng hoảng ảnh hưởng tới nhân loại do deepfake.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề một cách cụ thể. Trước hết, deepfake đặt ra câu hỏi về cách chúng ta tiếp nhận tính xác thực. Tài liệu thực tế, báo cáo sự kiện và thậm chí cả phương tiện phản ánh sự thật cũng bị đặt nghi vấn. Thông thường, rất khó xác định một đoạn ghi âm hay video vừa xem là thật hay giả và liệu chúng có phải là sản phẩm của AI hay không.
Các giác quan - nguồn cung cấp kiến thức cho con người bao đời nay - trở nên lạc hậu theo một nghĩa nào đó. Ngay cả với kiến thức hiện có cũng không khiến con người hoàn toàn tự tin để phân biệt nội dung nào do AI tạo ra. Bên cạnh đó, nhiều kẻ lạm dụng công nghệ AI vào mục đích xấu, cố tình chỉnh sửa văn bản và hình ảnh nhằm tạo xung đột chính trị hoặc phát tán nội dung khiêu dâm.
Bên cạnh những mối nguy kể trên, mặt tích cực của deepfake lại bị báo chí toàn cầu bỏ qua. Thay vào đó, họ chọn nhấn mạnh các khía cạnh giật gân, đáng sợ của deepfake.
Thực tế, deepfake hoạt động dựa trên những công nghệ vốn đem lại nhiều mặt tích cực và hiệu quả cho con người. Ví dụ, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các nhà nghiên cứu đã tạo ra hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não để huấn luyện thuật toán chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, trong lĩnh vực ung thư và bệnh Alzheimer, các nhà nghiên cứu đã phát triển hệ thống chẩn đoán dựa trên dữ liệu bệnh nhân giả. Điều này giúp giảm các xét nghiệm xâm lấn, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư về hồ sơ y tế của bệnh nhân.
Tương tự, công nghệ deepfake giọng nói hỗ trợ tạo và lan truyền các thông điệp xã hội quan trọng. Ví dụ, David Beckham tình nguyện tham gia chương trình giúp nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét. Trong video tuyên truyền, siêu sao bóng đá truyền tải thông điệp bằng nhiều ngôn ngữ nhờ sự trợ giúp của deepfake, bởi Beckham chỉ thực sự nói một ngôn ngữ. Các ngôn ngữ còn lại được tổ chức Malaria must die sản xuất và ghép vào video gốc, dưới sự hỗ trợ của hãng truyền thông Synthesia.
Vậy tại sao hầu hết các phương tiện truyền thông vẫn nhắm vào mặt tiêu cực, nguy hiểm của deepfake? Vấn đề này không hề mới. Trong lịch sử, nhiều công nghệ mới khi được giới thiệu đều nhận phải ý kiến trái chiều và sự e ngại. Chẳng hạn, máy in khi ra đời đã được coi là mối nguy hiểm và các nhà thờ lo ngại sẽ mất đi các tín đồ sùng đạo. Tương tự, TV cũng bị cho là gây mất đoàn kết xã hội và phá hoại lối sống gia đình truyền thống. Với deepfake, nó mang tiếng bóp méo sự thật, khiến mọi thứ trở nên không đáng tin cậy và làm suy đồi đạo đức nhân văn.
Phải thừa nhận deepfake đang bị lạm dụng, nhưng cần có cái nhìn đầy đủ, đa chiều đối với vấn đề phức tạp. Deepfake quả thực đáng sợ. Nó khiến con người hoài nghi và tự vấn về tính xác thực của thông tin. Công nghệ AI vẫn chưa được phát triển toàn diện để nhận biết deepfake. Dẫu vậy, cần nhớ chính con người tạo ra deepfake, đóng góp nội dung vào đó, hoặc tiếp nhận tin giả và lan truyền trên các trang mạng xã hội mà không hề suy nghĩ.
Deepfake nhắc nhở chúng ta cần tỉnh táo và chín chắn hơn trong việc chắt lọc, tiếp nhận thông tin".
Đức Anh (theo Haaretz)