Gương mặt của ông Khanh Hung Le bừng sáng khi vừa nhác thấy bóng con gái 7 tuổi đi học về. Cô bé tháo giày, cười ngoác miệng và lao về phía cha. Hai cha con ôm nhau thật chặt dù chiếc xe lăn chật hẹp khiến người đàn ông Việt Nam này không thể ôm trọn con gái nhỏ vào lòng, Houston Chronicle đưa tin.
"Nếu bị gửi về nước tôi sẽ không có đường sống, chỉ còn đường chết", ông Hung đợi con gái đi khỏi mới thì thầm nói. Ông Hung lo sợ trước viễn cảnh bị trục xuất về Việt Nam.
Theo các nhóm hoạt động xã hội và nhiều nguồn tin, đại diện chính quyền Mỹ và Việt Nam đã gặp nhau hôm 10/12 để bàn bạc về việc sửa đổi thỏa thuận ký kết năm 2008. Theo thỏa thuận đã ký giữa Washington và Hà Nội, những người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, sẽ không bị gửi trả về quê nhà kể cả những trường hợp từng phạm tội trên đất Mỹ. Nếu Mỹ thay đổi thỏa thuận trên, khoảng 9.000 người nhập cư gốc Việt, bao gồm gần 1.500 người sống ở Texas, sẽ có nguy cơ bị trục xuất vào đầu năm 2019.
Từng phạm tội hồi cuối những năm 1990, ông Hung lo sợ mình sẽ là một trong số đó.
Nhiều luật sư và các nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư cho rằng bước đi cứng rắn này của chính quyền Tổng thống Donald Trump là một đòn giáng mạnh vào cộng đồng những người nhập cư yếu thế. Không ít người Việt di cư tới Mỹ sau chiến tranh bị đẩy vào cảnh sống vật lộn với đầy rẫy khó khăn. Ra đi với hai bàn tay trắng, không nói được tiếng Anh, cảm giác bơ vơ và lạc lõng khiến họ sa chân vào các băng đảng tội phạm.
"Thỏa thuận cũ đối với chúng tôi vô cùng quan trọng vì nhờ đó những người Mỹ gốc Việt tị nạn được bảo vệ và bảo trợ nhân đạo, kể cả những người không may phạm tội và lĩnh án, thậm chí có những án tù lên đến một chục năm", Quyen Dinh, giám đốc điều hành của trung tâm Southeast Asian Resource Action, nhận xét.
Cô Dinh cho rằng sau lần cải cách luật nhập cư năm 1996, chính quyền Mỹ đã trầm trọng hóa vấn đề phạm tội của những người nhập cư chưa có quốc tịch Mỹ. Luật cải cách "đã mở rộng định nghĩa về những hành động được coi là phạm tội bằng cách áp đặt thêm hàng loạt điều kiện, do vậy, kể cả những tội nhẹ cũng bị phân loại vào nhóm tội nghiêm trọng", chuyên gia này nói.
Theo luật sư Khanh Pham chuyên hỗ trợ pháp lý cho những người tị nạn, những người đến Mỹ bất hợp pháp trước năm 1995 hoặc những người ở quá hạn thị thực đều có thể bị ảnh hưởng.
Vào mùa xuân năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Trump có động thái thay đổi thỏa thuận 2008 bằng cách tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ những người gốc Việt từng có tiền án tiền sự. Khi đến trình diện định kỳ tại Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (ICE), những người thuộc diện trục xuất theo lệnh của tòa án bắt đầu bị bắt giam.
Không thể gửi trả tất cả về Việt Nam, chính quyền Trump đối mặt với phản ứng ở trong nước. Các nhóm hoạt động dân sự cho rằng hành động giam giữ người vô thời hạn của ICE là trái pháp luật. Dưới áp lực các tổ chức nhân quyền, ICE buộc phải thả người.
Tưởng chừng sự việc lắng dịu. Nhưng vào ngày 8/12, một nguồn tin thông báo đại diện Washington và Hà Nội chuẩn bị gặp mặt để đi đến thống nhất sửa đổi thỏa thuận cũ. Tạp chí Atlantic dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp một số đại diện Việt Nam ở thủ đô Washington D.C., nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin về nội dung cuộc gặp.
Cô Dinh cho biết kể từ 1998 đến 2016, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 30 người gốc Việt bị trục xuất khỏi Mỹ mỗi năm. Con số này tăng hơn gấp đôi lên 71 vào năm 2017.
"Tôi cảm thấy bức xúc vì (chính sách này) nhắm vào cộng đồng chúng tôi, những người Mỹ gốc Việt đã góp công lớn xây dựng những khu dân cư sống động, đa dạng và mạnh mẽ ở Houston và trên khắp nước Mỹ", Lan Anh Nguyen, một nhà hoạt động địa phương ở Houston, bang Texas nói. "Nước Mỹ là một nơi tuyệt vời, đa sắc tộc, đa văn hóa. Tôi cảm tưởng như chúng ta đang thụt lùi".
Thị trưởng thành phố Houston, ông Sylvester Turner, ra thông cáo chính thức hôm 10/12, phản đối mạnh mẽ chính sách của chính quyền. Lãnh đạo này cho biết 91.000 người Việt sống ở Houston "đã làm giàu cho thành phố về mặt kinh tế, văn hóa, tôn giáo và tri thức".
"Viễn cảnh trục xuất hàng nghìn người nhập cư (gốc Việt) giáng một đòn mạnh vào trái tim của Houston và tâm hồn của nước Mỹ", ông Turner nói.
Nhà hoạt động Quyen Dinh cho biết nhiều người hoảng loạn đã tìm đến các tổ chức dân sự để cầu cứu sự trợ giúp. Họ lo sợ về tương lai gia đình ly tán. "Chúng tôi không biết liệu họ có thay đổi thỏa thuận cũ hay không, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị cho các gia đình tình huống xấu nhất", cô nói.
Các tổ chức dân sự khuyên nhiều người nên tìm thuê luật sư chuyên tranh tụng các vụ liên quan đến nhập cư để chuẩn bị hồ sơ nộp lên thống đốc bang xin ân xá.
Còn đối với một người cha đơn thân như ông Hung, viễn cảnh chia lìa cô con gái nhỏ quá đau lòng. Hơn nữa, việc bị trục xuất còn liên quan đến sự sống chết của bản thân ông. Hai năm trước, sau một vụ tai nạn xe hơi, ông Hung bị liệt hoàn toàn từ phần ngực trở xuống. "Với tình trạng sức khỏe hiện nay, tôi sẽ không có đường sống nếu quay trở về", ông nói. "Tôi cần dùng thuốc đến hết đời, cần dụng cụ trợ giúp khi đi tiểu tiện, tôi không sống như người bình thường. Tối đa, tôi chỉ trụ được 4 tháng".
An Hồng