Denise Kabeya, 40 tuổi, sống tại Panzi, nơi ghi nhận hầu hết ca mắc căn bệnh lạ ở Congo kể từ tháng 10. Khi ấy, con gái 12 tuổi của cô, Diane bị ốm. "Con bé đau đầu, sổ mũi, chán ăn và yếu người. Tôi nghĩ con bị sốt rét và thương hàn", Kabeya chia sẻ, thêm rằng những bệnh nhân kiểu này dễ dàng được bắt gặp trong khu vực.
Khi Diane hết nghẹt mũi, Kabeya hy vọng điều tồi tệ nhất đã qua. Nhưng cô bé tiếp tục kêu đau nhức cơ thể, cuối cùng đã qua đời vào cuối tháng 10.
Từ 24/10 đến 11/12, có 514 ca bệnh được ghi nhận, 143 người tử vong, theo số liệu của chính quyền địa phương. Đầu tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã cử chuyên gia đến khu vực để điều tra nguyên nhân. Bộ trưởng Y tế Congo, Roger Kamba, nói tuần trước có thêm 44 trường hợp tử vong tại các cộng đồng xa xôi ở Panzi.
Ông Kamba cho biết đợt bùng phát được báo cáo lần đầu vào tháng 10 và mức độ cảnh báo nâng lên cao vào cuối tháng 11. Đa số ca bệnh và tử vong là trẻ em dưới 14 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Do chưa rõ về căn bệnh bí ẩn này, các chuyên gia khó xác định lý do trẻ em dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tuần trước, ông Kamba cho biết bệnh giống cúm. Một số người tử vong có dấu hiệu suy hô hấp, thiếu máu. Những người khác bị sốt cao, đau đầu, ho, sổ mũi và nhức cơ thể, Serges Zenga, bác sĩ tại khu vực y tế Kenge, nói thêm. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng làm trầm trọng thêm bệnh ở một số trẻ em, theo các nguồn tin địa phương tại Panzi và Bộ Y tế.
Một số cư dân ở Kenge, thủ phủ của tỉnh Kwango, lo ngại dịch lây lan từ Panzi đến cộng đồng của họ. "Chúng tôi lo rằng chính quyền tỉnh chưa có biện pháp ngăn ngừa bệnh lây lan sang các khu vực lân cận", cư dân Emile Yimbu phàn nàn. Ông kêu gọi tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ để kiểm soát bệnh.
Prosper Kiswemba, ủy viên hội đồng địa phương ở Kenge, cũng lo lắng, kế hoạch du lịch cuối năm của người dân trong khu vực có thể khiến bệnh lây lan nhanh hơn. Ông Kiswemba cho rằng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ như đo nhiệt độ và lắp đặt trạm rửa tay dọc các tuyến đường dẫn đến Panzi.
Một chuyên gia y tế phỏng đoán bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ông đã phỏng vấn một số bệnh nhân, hầu hết thừa nhận đã tiếp xúc với một số động vật hoang dã vài ngày trước khi bị ốm. Để an toàn, ông cho rằng chính phủ nên khuyến cáo người dân giảm tiếp xúc với thú hoang.
Vị trí xa xôi của tâm dịch và tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng đang gây khó khăn cho việc chống lại căn bệnh. Cách thủ đô Kinshasa khoảng 700 km, Panzi là vùng nông thôn hẻo lánh và khó tiếp cận, theo WHO.
"Chúng tôi đã cử một đội chuyên gia đến hiện trường. Đội mất hai ngày mới đến được khu vực vì đường rất xấu trong mùa mưa", ông Kamba nói. Panzi cũng thiếu năng lực xét nghiệm, nghĩa là các mẫu phải được đưa đến phòng thí nghiệm ở Kikwit, cách đó hơn 500 km.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết việc chẩn đoán hạn chế trong khu vực đã làm chậm tiến độ xác định nguyên nhân cơ bản của đợt bùng phát. Tuy nhiên, các nhóm chuyên gia WHO đang hỗ trợ điều trị, truyền thông rủi ro và hợp tác với cộng đồng.
Trong khi đó, các bác sĩ cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. "Chúng tôi không có bộ dụng cụ hồi sức như bình oxy, không có trung tâm điều trị và cơ sở cách ly, thậm chí không có điện; khan hiếm thiết bị liên lạc và internet", tiến sĩ Rufin Mukuwa, bác sĩ bệnh viện đa khoa Panzi, nói.
Bệnh lạ lây lan trùng thời điểm dịch sởi và sốt thương hàn, khiến một số cơ sở y tế địa phương quá tải. Tiến sĩ Mukuwa tại bệnh viện đa khoa Panzi coi đợt bùng phát là một thách thức đáng lo ngại, nhưng có thể vượt qua.
"Chúng tôi tiếp nhận nhiều ca bệnh, từ 15 đến 20 bệnh nhân mỗi ngày", ông nói. Theo ông, một số triệu chứng bệnh, chẳng hạn vấn đề hô hấp, khá giống với Covid-19. Các bệnh nhân được điều trị theo triệu chứng, sử dụng azithromycin, amoxicillin hoặc spiramycin. Nếu bệnh nhân đau đầu, họ được kê đơn paracetamol để giảm đau.
Hai năm trước, Panzi đã trải qua dịch sốt thương hàn. Khu vực này cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp, khiến trẻ em dễ mắc nhiều bệnh, theo giám đốc WHO. Bệnh mới xuất hiện trong bối cảnh các bác sĩ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đang giải quyết dịch bệnh đậu mùa khỉ, với ít nhất 40.000 ca mắc và hơn 1.000 người tử vong được báo cáo.
Thục Linh (Theo Aljazeera)