Các thí sinh tham gia chương trình là người làm bếp chuyên nghiệp ở nhà hàng, khách sạn, resort hay bếp ăn công nghiệp, hoặc người làm công việc liên quan mật thiết đến nấu ăn như giáo viên, phụ trách tạp chí, biên tập sách dạy nấu ăn…
Khi nấu ăn đã trở thành nghề thì đầu bếp nam chiếm số lượng áp đảo, do đặc thù của nghề đòi hỏi khá nhiều sức khỏe. Ở khoảng 40 khách sạn 4 và 5 sao tại TP HCM, chỉ có một nữ bếp trưởng. Bà Lê Hạnh, đại diện ban tổ chức tiết lộ trong số hàng trăm hồ sơ gửi về tham gia chương trình, số lượng nữ giới cũng không nhiều. Sau vòng thi loại, cuối cùng chỉ còn hai nữ là Hà Lâm Bích (giảng viên dạy nấu ăn tại Nha Trang) và Mai Ngọc Hải Tuyết (bếp chính tại một nhà hàng ở TP HCM) trụ lại.
Một số thí sinh trước khi làm đầu bếp từng theo đuổi những ngành nghề khác nhau. Nguyễn Quốc Huy (bếp trưởng khách sạn Michelia Nha Trang) từng là họa sĩ vẽ truyện tranh kiêm biên đạo múa, Lê Dương Đình Nghệ (phụ bếp tại một quán cà phê và bar ở Singapore) đã tốt nghiệp ngành dầu khí.
Ngoài việc giới thiệu những món ăn ngon, đẹp mắt, chương trình Đầu bếp Đỉnh còn phác họa lại hành trình lao động của các đầu bếp chuyên nghiệp, cái giá phải trả để đi đến thành công. Ông Nguyễn Nam, đạo diễn của chương trình tự tin, các tập phát sóng sẽ rất đậm đà, bởi có cả vị mặn của nước mắt.
Đầu bếp Đỉnh - Top Chef Vietnam gồm 17 tập, mỗi tập dài 45 phút, phát sóng trên HTV7 vào 20h tối chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 23/11. Mỗi tập (tập chung kết) gồm 3 vòng thi: Thử thách nhanh, thử thách loại trừ và vòng thẩm định. Tại vòng thẩm định, ban giám khảo thảo luận những điểm đạt và chưa đạt của món ăn, sau đó xác định thí sinh xuất sắc và một thí sinh bị loại. Đầu bếp giỏi nhất sẽ được giải thưởng phụ, đầu bếp thấp điểm nhất sẽ phải gói dao ra về.
Trailer Đầu bếp Đỉnh
Kim Anh