Có lẽ, một phần do việc học, một phần do điều kiện kinh tế. Vả lại nhà nào cũng có điện thoại, khi cần hỏi thăm sức khỏe chỉ gọi điện cái là xong. Nơi mà thuở trước gia đình tôi đã trải qua khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời.
Tôi sinh ra trên mảnh đất của vùng quê nghèo xã Mỹ Phú (Châu Phú - An Giang). Mảnh đất mà nó đã bóp nghẹt đi bao ước mơ, hoài bão của những đứa trẻ nên thơ của cái tuổi hồn nhiên nơi đây.
Sau giải phóng, nhà nước xây dựng vùng kinh tế mới để khuyến khích người dân vào đây an cư lập nghiệp. Cuộc sống của người dân nơi đây có một nét rất đặc trưng. Đó là sống theo mùa, làm một mùa ăn 2 -3 tháng. Nguồn thu lớn nhất là mùa lũ, cả gia đình cùng nhau ra đồng giăng lưới, bắt cá, mỗi ký cá linh lúc đó khoảng 2.000-3000 đồng. Cả gia đình giăng mỗi ngày ít nhất cũng trên 100 nghìn đồng. Hết mùa lũ, người dân chờ đến tháng hai, ba năm sau để đến mùa cắt lúa để đi làm thuê như cắt lúa, vác lúa, vũ rơm, chăn vịt...
Cuộc sống của người dân ở vùng kinh tế mới chỉ loay hoay với cái điệp khúc làm một tháng ăn 3 tháng mới làm tiếp. Cái ăn, cái mặc còn lo chưa xong huống chi nghĩ đến việc học. Cách đây khoảng hai mươi năm về trước ở trong làng làm gì có trường để học. Nên cái việc học quá xa vời đối với những đứa trẻ ở đây. Những đứa trẻ chừng 5- 6 tuổi là biết kiếm tiền giúp gia đình từ các công việc như lượm bông lúa còn sót lại ngoài đồng, mò ốc, đi theo mẹ vũ rơm... Trẻ mà muốn đến trường được phải đi tới xã gần 6 km. Gia đình tôi cũng sống trong cảnh như thế, cha mẹ suốt ngày bận rộn ngoài đồng ruộng để lo bữa ăn hằng ngày.
Lúc nhỏ tôi thường theo mẹ chèo ghe đi bán đồ rẫy trong xóm, nên việc học của tôi dang dở. Hồi đó trong làng chỉ có duy nhất một ông thầy dạy chữ, mỗi ngày đóng 200 đồng, học ngày nào đóng ngày đó và tôi phải đi bộ hằng ngày gần 3 km suốt hai năm nhưng chỉ học lớp một và lớp một. Vì có ai chứng nhận lên lớp đâu, ai có tiền thì đến học, hay ngày nào rảnh thì học... Lớp học thời đó chỉ có vài đứa trẻ đến học vì phần đông cha mẹ bắt phải ở nhà để giúp đỡ gia đình. Dòng họ bên nội tôi lúc đó chỉ duy nhất mình tôi chịu đi học, còn các anh em con của chú, bác ở nhà giúp đỡ gia đìn. Vì vậy, phần đông đều dốt, người mười bảy, mười tám tuổi có vợ, có chồng sau đó hai vợ chồng cùng nhau làm mướn, nuôi vịt để sống qua ngày. Bây giờ nghĩ lại nếu ngày trước cha mẹ không về quê ngoại sống, chắc bây giờ tôi cũng đã dốt, có ít nhất cũng hai đứa con và tối ngày phải đi làm thuê, mướn để nuôi vợ, nuôi con...
Năm 1993 lúc đó tôi vừa tròn sáu tuổi. Cha mẹ tôi quyết định trở về quê ngoại (Cần Thơ) để sinh sống. Tôi tự nhủ thầm với lòng khi nào tôi thành đạt, trở thành một người có ích cho xã hội, mới trở về thăm nội. Khi mới về gia đình tôi chỉ có hai bàn tay trắng, mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu, được ông ngoại cho hai công đất ruộng để làm kế sinh nhai. Gia đình tôi dựng một căn chồi tạm bợ giữa đồng nội, cách trong xóm khoảng 500m để che nắng che mưa sống qua ngày.
Hàng ngày tôi phải đi bộ gần 6km để đến trường, những ngày trời mưa, đường xá lầy lội, hay vào tháng nước nổi, đi học mình mẫy nhem nhuốc dính toàn sìn đất, đầu cổ như chuột lột, tập vở ướt nhem... Sau khi đi học về, tôi còn là "tướng" chỉ huy hơn 500 con vịt. Gia đình tôi phải bươn chải, làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống như cấy lúa, cắt lúa, giăng lứới, phụ hồ... Ngày qua ngày cuộc sống vẫn không thay đổi, cái nghèo vẫn cứ tiếp tục đeo đuổi gia đình tôi.
Sống trong căn chồi ọp ẹp, những đêm mưa to cả gia đình tôi thức trắng đêm vì mưa dột không còn chỗ để ngủ. Tôi luôn nung nấu một quyết tâm trong lòng là sẽ học thật giỏi để sau này thoát khỏi cảnh nghèo. Nhìn cha mẹ tôi ngày ngày lam lũ ngoài đồng để kiếm tiền lo cho anh em tôi ăn học. Chính điều đó tôi càng quyết tâm hơn nữa, tôi tự nhủ với lòng mình, cho dù có khó khăn đến cỡ nào đi chăng nữa tôi cũng không đầu hàng, không nản chí, sẽ quyết tâm học đến cùng.
Năm 2000, cha mẹ tôi chuyển sang nghề buôn bán đồ rẫy đến tận Giá Rai, Bạc Liêu hầu như đi quanh năm. Tôi là anh cả trong gia đình ba anh em. Công việc của tôi là ăn học và chăm sóc hai em nhỏ cũng đang đi học, quán xuyến gia đình.
Năm 2008 gia đình tôi gặp khó khăn về kinh tế, công việc buôn bán suy sụp, mắc một khoảng nợ khá lớn. Từ đó, cả nhà tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, khó khăn dồn dập kéo đến. Chính thời điểm đó tôi nhận được thông báo mình đậu đại học. Tôi rất mừng về nói cho cha mẹ biết và cha mẹ tôi cũng rất vui mừng, cảm thấy rất tự hào về tôi nhưng nhìn hai hàng nước mắt của cha mẹ cứ tuôn rơi không dứt.
Tôi đã linh cảm được có một chuyện gì đó sẽ đến với tôi. Cha nói "Cha mẹ rất muốn lo cho con được ăn học thành tài, đến nơi đến chốn nhưng bây giờ nhà mình lâm vào cảnh thế này....? Cha không còn cách nào khác. Thôi, con nghỉ học cùng gia đình lên Bình Dương làm lò gạch một thời gian rồi từ từ có tiền rồi học tiếp".
Tôi suy nghĩ thật lâu và quyết định sẽ ở lại đây tiếp tục học. Vì chỉ có học sau này nhà tôi mới có cơ mai đổi đời. Cha mẹ tôi đã lên Bình Dương làm mướn, ba anh em tôi ở lại tiếp tục học. Gia đình tôi chia tay trong đêm tối với những giọt nước mắt xót xa. Cả ba đều tự nhủ với lòng cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa cũng phải cố gắng học, học để sau này giúp đỡ cha mẹ...
Hồi đó, tôi còn nhớ như in nội tôi thường ra đồng hái bông điên điển về nấu canh chua cá linh cho tôi ăn. Cái hương vị ấy cho đến giờ tôi vẫn không thể quên được mỗi khi nghĩ về quê nội. Có lẽ thời gian sẽ làm cho nội tôi già thêm. Nhưng những ký ức của tuổi thơ về nội và những người thân vẫn luôn đọng mãi trong trái tim tôi.
Nội ơi, con nhớ nội nhiều lắm. Tết này con sẽ về thăm nội. Con nghĩ lần trở về này nội sẽ tự hào về đứa cháu bé nhỏ ngày xưa thường hay nghịch ngợm của nội. Vì nó đã lớn, đã trưởng thành và trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Trương Hòa Hội