Được thành lập từ năm 2008, mái ấm Thánh Tâm, trong khuôn viên nhà thờ Xuy Xá, thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội trở thành ngôi nhà chung của 28 em nhỏ tật nguyền, mồ côi và những người già không nơi nương tựa…
Nằm khuất trong ngôi làng nhỏ cách quốc lộ 21 khá xa, mái ấm Thánh Tâm chỉ là dãy nhà lợp tôn nhỏ nhắn, nép mình bên cạnh nhà thờ Xuy Xá, giữa một làng quê thuần nông yên bình. Mái ấm được chia thành nhiều phòng nhỏ khác nhau, mỗi phòng dành riêng cho từng hoàn cảnh của các em.
Bước chân vào một căn phòng nhỏ, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một bé trai, chừng 5-6 tuổi, chạy đến ôm chân mình gọi "con chào mẹ!". Một em khác lớn hơn nhất định đòi nắm tay đi cùng, nhìn nụ cười ngây thơ nhưng ánh mắt vô hồn của các em, tôi không khỏi chạnh lòng. Sơ Vũ Thị Thơm, người chăm sóc các em nhỏ trong mái ấm nói với chúng tôi, giọng ngậm ngùi: "Hai em đó đều bị bệnh down, được nuôi ở đây từ nhỏ, có lẽ thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên gặp ai các em cũng gọi là mẹ, khách lạ đến thăm các em cũng đi theo".
Sơ Thơm dẫn chúng tôi đến thăm những em nhỏ bị bại não, động kinh, có đến 5-6 em nằm bất động trên những chiếc giường inox, mọi ăn uống, sinh hoạt đều trông chờ vào sự giúp đỡ của các sơ. Minh, một em trai năm nay đã 18 tuổi nhưng nặng chưa đến 10kg, nằm co quắp, đầu lắc liên tục cả ngày lẫn đêm, không thể tự ăn uống được. Sơ Thơm kể: "Khi mới đưa Minh về chỉ nặng 5kg, sức khỏe của em yếu lắm, đầu em cứ lắc suốt. Gia đình em thì khó khăn quá không có điều kiện chăm sóc nên đã gửi em đến đây".
Có em bị di chứng chất độc da cam, tay lúc nào cũng cào mắt khiến mắt em luôn tấy đỏ. Có nhóm bác sĩ Đông y về đây trị bệnh cho em nhưng không thể chữa khỏi, nên 14 năm nay em phải sống cùng đôi mắt luôn sưng đỏ. Hầu hết các em nhỏ ở đây đều không tự ăn uống bình thường, tất cả đều phải nấu cháo, xay nhuyễn, đút từng thìa. Mà mỗi bữa ăn kéo dài hàng giờ đồng hồ vì các em nuốt cũng khó khăn. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, miệng cười hồn nhiên và những vết thương của các em khiến tôi không cầm được nước mắt…
Trong một căn phòng chỉ kê bộ bàn ghế gỗ đã cũ, mọt thủng lỗ chỗ, được dùng làm nơi ăn uống của các sơ và những thành viên khỏe mạnh, còn đi lại được, tôi chợt thấy một bàn thờ nhỏ nghi ngút khói hương và di ảnh của một bà cụ hiền lành, phúc hậu. Tôi thắc mắc hỏi sơ Thơm và được biết đó là bàn thờ của cụ Nguyễn Thị Lộc vừa qua đời được nửa tháng. Lúc khỏe, đã có lần cụ Lộc tìm đến thăm mái ấm Thánh Tâm và có tâm nguyện khi già yếu được về đây sống những ngày cuối đời. Sơ Thơm cũng cho biết thêm, hiện ở mái ấm Thánh Tâm, ngoài các em nhỏ mồ côi, tàn tật còn có 2 cụ bà không nơi nương tựa cũng tìm về đây. Tuổi già có con cháu vui vầy, bọn trẻ cũng có bà để nũng nịu, đòi nghe kể chuyện, bảo ban hay được gãi lưng khi đi ngủ. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để sưởi ấm những trái tim già cô quạnh, giúp họ sống yên vui, thanh thản trong những năm tháng cuối đời.
Do mới thành lập nên các sơ trong mái ấm luôn phải lo ăn cho các con từng bữa. 28 em nhỏ tật nguyền, mồ côi, 3 cụ già không nơi nương tựa được 8 sơ ngày đêm chăm sóc, nhưng không hề có một nguồn thu ổn định nào ngoài đầm sen trước cổng nhà thờ. Từ đầm sen ấy, các sơ thu hoạch, chế biến thành trà sen, chè lá sen rồi mang bán lấy tiền đong gạo cho các con. Còn lại, trông chờ vào tấm lòng hảo tâm của bà con giáo dân xứ đạo Xuy Xá và sự giúp đỡ của những "mạnh thường quân" thỉnh thoảng tìm đến thăm.
Nhiều khi khó khăn quá, sơ Thơm đưa cho tôi xem một hộp nhựa dung tích chừng 3 lít, được đánh số 161, bên trong có một nhúm gạo. Sơ bảo đây được gọi là "Hũ gạo tình thương", tổng cộng có gần ba nghìn hũ gạo như vậy được gửi đến các giáo dân xứ đạo Xuy Xá. Mỗi bữa khi nấu cơm, mỗi nhà sẽ bớt một nắm gạo bỏ vào hũ, ba tháng sẽ có một tiểu ban do nhà thờ lập ra, đến từng nhà xin mang gạo về để nuôi các em nhỏ. Tại mái ấm Thánh Tâm cũng có một hũ gạo như vậy. Những hũ gạo đó là nguồn thức ăn chủ yếu của bốn mươi con người, đủ để hiểu cuộc sống của mái ấm này khó khăn như thế nào. Chưa kể nơi đây toàn những em nhỏ ốm yếu, bệnh tật, người già đau yếu triền miên, việc thuốc thang hay tầm bổ là chuyện khó có thể xoay xở được.
Khó khăn thiếu thốn là thế nhưng mái ấm Thánh Tâm chưa một lần nào từ chối những người cần sự giúp đỡ. Từ em nhỏ mồ côi mẹ ngay khi vừa lọt lòng, bố bỏ đi, ông bà ngoại quá nghèo không nuôi nổi đến một em gái bị lạm dụng, phải làm mẹ từ năm 15 tuổi, không dám về nhà, được các sơ nhận về chăm sóc những tháng cuối mang thai, rồi sinh con khỏe mạnh. Các sơ luôn chăm sóc tận tình, kiêng cữ đúng ba tháng mười ngày. Giờ đứa trẻ đã hơn hai tuổi, kháu khỉnh, khỏe mạnh, được người mẹ trẻ gửi ở đây, thỉnh thoảng mới về thăm con. Những em nhỏ bị tàn tật, bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện, nhà hộ sinh, cũng được đưa về đây chăm sóc. Có những em sau một thời gian lớn lên khỏe mạnh lại được cha mẹ, họ hàng đón về, nhưng cũng có em, từ khi lọt lòng đến lúc biết chạy, biết đi, chỉ có mái ấm Thánh Tâm là gia đình và các sơ là mẹ…
Không chỉ bệnh tật luôn hành hạ và lấy đi của các em tuổi thơ đầy ắp những tiếng cười, mà chua xót hơn là những cái ôm ấp vỗ về của các bậc làm cha, làm mẹ các em cũng khó mà cảm nhận được. Dẫu biết rằng sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của các sơ là không gì có thể đong đếm được, nhưng có thấm vào đâu so với ngần đấy thành viên.
Tuy nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các em đã có nơi ăn chốn ở khá sạch sẽ và yên bình, thế nhưng khi chứng kiến những con người sống ở đây, dù có bao nhiêu vật chất đầy đủ cũng chẳng thể nào đong đầy và bù đắp được những thử thách và mất mát đối với họ.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Hường