![]() |
Ca sĩ Anh Duy. |
Là thành viên của Đoàn Tiếng ca sông Hậu (Hậu Giang) từ năm 1979, Anh Duy luôn mơ ước có ngày sẽ được lên đất Sài Gòn làm ca sĩ chuyên nghiệp. Sau nửa tháng chờ đợi, vét hết số tiền mang theo, anh được ông Trưởng đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng 8 lúc bấy giờ phán một câu: Cậu về đi. Hết tiền, xách giỏ lang thang, anh gặp cây hài Thanh Tùng. Sau vài lần thử thách, Thanh Tùng nhận anh vào Đoàn Hương Miền Nam và trở thành một trong 3 giọng ca chính của đoàn. Cũng không ít lần anh mang chuông đi Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc để làm rạng rỡ nước nhà, rồi đoạt giải III giọng ca chuyên nghiệp TP HCM (1995). Nhưng do thời thế, Anh Duy giờ chỉ là người hát lót cho đàn em. Thù lao cho mỗi chuyến đi là vài chục đến 100.000 đồng. Anh tâm sự: “Tôi đang làm thêm đại lý bảo hiểm để lấy tiền nuôi nghề hát. Dù có phải hát lót chăng nữa tôi vẫn mơ ước được trút hơi tàn trên sân khấu. Buồn lắm, nghề này sao bạc bẽo quá. Khi ca sĩ chính chưa đến, mình là người phải chịu trận kéo khán giả, kéo thời gian, nhưng đổi lại, khán giả la ó, phản đối vì thấy mình đứng hát hoài. Khi sao đến rồi thì ban tổ chức không còn thiết gì đến ca sĩ hát lót nữa”.
![]() |
Ca sĩ Bạch Lan. |
Bạch Lan, một cái tên quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ vào những năm 90 (cùng thời với Minh Thuận, Nhật Hào, Trần Sang...), dù không có ngoại hình quyến rũ nhưng cô được đánh giá là có chất giọng khá tốt, tròn đầy, phong cách hợp sân khấu. Biết đàn, biết chơi trống... thế nhưng cô cũng không thể nổi lên được vì dám từ chối lăng xê. Mỗi lần đi tỉnh, cô bị xếp ở phòng hạng bèo. Tiền thù lao chỉ đủ cho một hộp phấn. Trong khi các sao nhởn nhơ, cô phải kiên nhẫn, rình đợi khi nào sân khấu trống, khán giả oải mới được lên khuấy động. Có đêm cô phải đợi đến vài tiếng chỉ để được hát một bài. Cô tâm sự: “Buồn nhất là đàn em, những người trước đây không là gì, giờ phất lên được thì tỏ ra xấc xược. Khi cần thiết họ có thể nói với ban tổ chức Cho bả hát một bài thôi”.
Ngọc Vân cũng chẳng hơn gì. Từ Long Khánh - Đồng Nai, Vân hăm hở bước lên Sài Gòn với ước mơ thành ca sĩ. Chất giọng phù hợp nhạc nhẹ, nhưng cô chấp nhận hát bất cứ thể loại nào để được đứng trên sân khấu. Và cứ thế, cái tên Ngọc Vân cho đến hôm nay vẫn không tỏa sáng. Cô ngậm ngùi: "Một ca sĩ rất nhí từ Hà Nội vừa vào, nói: Sô em chạy không hết. Nghe đàn em nói mà buồn cho phận mình".
(Theo Thanh Niên)