Những ngày cuối năm, phố xá chật chội người lại qua, con thu lu một mình dưới mái chờ xe bus lặng lẽ nhìn sang bên kia đường. Hà Nội đâu đâu cũng tràn ngập sắc xuân, sắc Tết với câu đối, đèn lồng nhuộm đỏ cả trời đông… Bỗng chạnh lòng con nhớ nhà nội ạ, con thèm được ngồi bên bếp lửa hít thật nhiều mùi khói, hít mùi thơm nếp xôi vừa sôi lên sùng sục. Con thèm được ngồi cạnh nội đếm xem mái đầu còn sợi tóc đen nào không, vì tóc nội bạc trắng tự bao giờ. Nhưng nội đi xa rồi, làm sao con tìm được ngày đó?
![noi-banh-chung-tet-xua-noi-goi-142303544](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/06/noi-banh-chung-tet-xua-noi-goi-1985-6446-1423207188.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ukrf8HUgcsRhDJt21Uwrqg)
Nội à, ngày xưa con thích mùa đông, thích cảm giác xuýt xoa đôi bàn tay rồi áp nhẹ lên má nóng hổi nhưng có một mùa đông buồn mang nội đi mất! Mùa đông năm ấy, gió rít mạnh, thốc vào khung cửa sổ kêu cót két. Rồi một ngày đông nội bảo Nội mệt lắm rồi, muốn ngủ một giấc thật dài. Mùa đông đó, bàn tay Nội lạnh ngắt. Mùa đông đó, nội đi mãi không về.
Mùa xuân đã về đầu ngõ, Tết sắp đến rồi, bây giờ nội đang ở nơi nào, có phải xa lắm không? Ngày bé nếu mẹ bảo thế thì con sẽ tin và tưởng tưởng ra nơi nội đang sống nhưng bây giờ con lớn rồi, con biết nội không bao giờ trở về nữa. Là nơi con chỉ có thể gặp nội trong những giấc mơ xa vắng…
Tết này, nhà mình có một chiếc ghế bỏ trống, mỗi lần nhìn vào đó con chẳng thể kìm được nước mắt. Tết này, con không được ăn bánh chưng nội gói nữa, cái bánh nhỏ gọn bằng lòng bàn tay có thật nhiều nhân đậu. Tết này, nhà mình sẽ nhiều khói nhang hơn, là khói nhang cho nội, là lòng thành kính và biết ơn mong Tết này nội về ở lại thật lâu.
Con nhớ những mùa Tết xưa quá Nội à! Con nhớ ngày đó, mỗi lần xuống xe về Tết, con vứt balo chạy vội ngay vào nhà Nội và thấy Nội đứng chờ ở bậc thềm cũ. Nội bảo cái bậc thềm này đã cũ và rêu phủ đầy nhưng nội vẫn để thế vì nó gắn liền với ký ức tuổi thơ con, vì bao lần vấp ngã rồi đứng lên thuở còn bé. Con nhớ nụ cười, ánh mắt, miệng nhai móm mém dù không ăn gì, vì nội đã không còn chiếc răng nào nữa. Nội à, bây giờ con về, ai chờ con ở bậc thềm ấy nữa. Nội vẫn chờ con đúng không, chỉ là con không nhìn thấy mà thôi.
Những mùa Tết đã qua, khi còn có nội, cứ đến chiều 30 Tết con lại cùng nội sắp cặp bánh chưng được gói cẩn thận lên bàn tờ, bày những đĩa bánh mẹ làm còn nóng hổi. Con vụng về hít mùi bánh :“Thơm quá nội ơi”. Nội cốc nhẹ đầu bảo: “Bánh này chưa cúng, không được ngửi như thế, ông bà tổ tiên trách tội đó”. Con gãi đầu dạ dạ vâng vâng.
Tết năm này sắp đến rồi, nội có về sắp bánh lên bàn thờ không nội?
Nội ơi, năm nay nội đón Tết ở đâu, nội có về đón Tết với nhà mình không? Con biết những mùa xuân sau sẽ chẳng bao giờ được trọn vẹn vì mãi mãi thiếu đi bóng dáng nội. Cả nhà vẫn sẽ chờ nội về, dù nội không còn hiện hữu nữa nhưng nội mãi mãi là mùa xuân của con.
Có những mùa xuân con chờ nội sau cánh cổng đan bằng tre nhưng chờ mãi, thời khắc giao thừa điểm vẫn chưa thấy nội về. Bà bảo rằng nội đã về từ lâu sao con còn chờ ngoài ngõ. Nhìn lên bàn thờ, con thấy nội cười, nụ cười thật hiền và hạnh phúc. Con quẹt ngang dòng nước mắt mỉm cười với Nội và trách: “Sao nội đi lâu thế”.
Những mùa xuân ấy, nội lặng lẽ đón Tết với gia đình. Nhưng con biết, mỗi lần trước thời khắc giao thừa, nội thường đi lại nhiều lần trong nhà và nhìn ngắm những đồ vật được bày biện trên bàn thờ.
Nội bảo khi một năm mới sắp đến, nội sẽ già thêm một tuổi, người già thường hay nhìn về quá khứ mà nuối tiếc cho những chuyện đã qua. Ngày đó nội bảo rằng sau khi thời khắc giao thừa điểm thì chúng con phải viết chữ khai xuân để có một năm học nhiều thành công. Bây giờ, con không còn đi học nữa, nhưng con vẫn sẽ làm theo lời nội dặn, vì học không bao giờ là đủ phải không nội.
Nội ơi, con đang đếm ngược thời gian chờ chuyến tàu lăn bánh, mang con trở về với quê nhà, nơi có nội đang chờ. Nội nhớ chờ con ở bậc thềm xưa nội nhé! Mùa xuân đang về, nội về đón Tết với gia đình nội nhé!
Con nhớ nội!
Nguyễn Thị Nghĩa
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |