Trên tuyến đường Trường Sa ven biển TP Đà Nẵng, nhiều người qua đây từ ngỡ ngàng khi bắt gặp cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) cao sừng sững đặt trong khuôn viên nhà nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Cột mốc cao 6 mét, rộng 1,5 mét, bốn mặt đều khắc dòng chữ lớn Đảo Trường Sa Đông, vĩ độ 080 55' 00"N, kinh độ 1120 21' 00"E. Phía dưới khắc bốn bức bằng khen cựu binh Trường Sa Trần Văn Xuất - chủ nhân - tác giả của cột mốc chủ quyền.
![]() |
Ông Xuất bên những kỷ vật Trường Sa được cất giữ suốt 25 năm. Ảnh: Nguyễn Đông |
Mỗi khi có đoàn học sinh tiểu học đến tham quan, ông Xuất lại say sưa kể về hòn đảo nơi ông từng sống, bảo vệ chủ quyền: "Đây là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, các cháu phải có ý thức, tinh thần bảo vệ, quyết không để kẻ thù xâm phạm".
Năm 1984, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Văn Xuất lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông. Người lính trẻ dáng người cao gầy, nước da đen sạm được đồng đội gán cho cái tên "người núi". Đơn giản là vì khi hỏi quê quán, tân binh này chỉ nói mình ở chân núi Ngũ Hành Sơn.
Cảm nhận chung của những người lính đảo ngày ấy là sự khắc nghiệt, nhớ đất liền. Riêng ông Xuất có tài bắt cá biển, chim trời nên được đồng đội đặt biệt danh "siêu nhân đánh cá". Cần cù, nhiệt tình trong công việc, ông được bầu làm tiểu đội trưởng tiểu đội DKZ82.
Hơn 20 năm rời đảo nhỏ nhưng hễ nhắc chuyện cũ, những ký ức về nơi ông gắn bó suốt 3 năm ròng lại hiện về. Ông kể, đảo nổi Trường Sa Đông ngày ấy rộng chừng 2.000 m2, hình bầu dục, xung quanh bao bọc bởi lớp san hô. Mỗi năm có hai ngày của tháng 5 và 12 nước biển tràn vào nhà công vụ. Trên đảo khô cằn, chỉ trồng được rau sam nhưng phải lặn xuống đáy biển lấy cát, chăm bẵm bằng từng giọt nước ngọt và phải đúng 3 tháng mới có được một bữa rau xanh cải thiện bữa ăn người lính biển.
Do thiếu nước ngọt nên hầu hết 30 chiến sĩ của đại đội chỉ mặc quần đùi. Mỗi khi trời đổ mưa, anh em lại hô hào nhau dùng tất cả vật dụng để hứng nước ngọt rồi cùng ùa ra tắm mưa hồn nhiên như những đứa trẻ.
Ngồi bên ấm trà nóng cùng ông Nguyễn Đắc Nhuận (48 tuổi, quê Phú Yên) người đồng đội một thời mới ghé nhà chơi, hai người kể mãi không hết chuyện. Nào là lần được đất liền mang ra cho 3 tấn kẹo, bộ đội ăn nhiều quá nên đau bụng đến mấy ngày. Hay lần tàu chở ra ba con bò để ăn Tết, anh em nhốt lại hai con, cho ăn cơm suốt hai tuần. Khi bộ đội bắn đạn chỉ thiên mừng giao thừa, bò sợ bỏ chạy và sáng hôm sau thì mất tích trên biển... Rồi ông Xuất chậm rãi kể về hành trình đi dọc đất nước tìm được hơn 30 đồng đội cùng sát cánh canh giữ Trường Sa Đông.
"Ngày rời đảo về đất liền, tôi chỉ nhận được thông báo trước 30 phút nên vội vã gấp quần áo lên tàu. Khi lên tàu, lần đầu tiên trong đời tôi đã khóc", đôi mắt ông Xuất nhìn ra khoảng trời phía trước nhà.
Rời quân ngũ về quê với bao gánh nặng mưu sinh. Một buổi chiều ngồi nhìn ra biển Đông trước nhà, ông Xuất nhớ đảo, nhớ bạn đến cồn cào nhưng lại không nhớ đầy đủ tên của đồng đội, chỉ có những câu chuyện về những lần chơi bài quỳ đeo ống đạn vào tai, hay đi bắt cá từ lúc hai giờ sáng… mà ông nhớ loáng thoáng trong đầu. Và ông bắt đầu lên đường đi tìm đồng đội từ chính những câu chuyện, đó là năm 2005.
"Có lần tôi hỏi thằng bạn làm nghề gì, nó chỉ nói làm nghề đạp xích lô ở Phú Yên, còn huyện và xã nó ở tôi không nhớ nổi. Tôi chạy xe vào tận Phú Yên và mời cả hội xích lô một chầu bia. Nhờ đó mà tìm được cả một nhóm anh em ở đây. Những cái tên Quốc, Nhuận… xuất hiện cùng những câu chuyện cũ cứ đầy đặn dần", ông Xuất tâm sự.
![]() |
Hai người đồng đội Xuất - Nhuận bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Nguyễn Đông |
Hành trình tìm bạn cũng lắm gian truân. Có những chuyến đi dài ngày cả tháng trời lên Đắk Lắk, Hà Tĩnh… nhưng đành quay về tay không. Có lần ông Xuất lặn lội tìm được nhà của một đồng đội tên Quốc quê ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhưng đứng chết lặng trước di ảnh của người bạn mới qua đời vị bệnh nặng, còn vợ ông Quốc bật khóc vì xúc động. "Mấy anh em lại góp tiền cho vợ thằng Quốc nuôi con và mua tạm căn nhà vì từ trước đến giờ vợ chồng nó vẫn phải ở trọ", người cựu binh 47 tuổi nhớ lại.
"Năm 2008, tôi muốn xây một cây cột mốc Trường Sa Đông ở đất liền, ngay bên bờ biển Đông, đơn giản là để những ai qua đường biết rằng tôi là một cựu binh Trường Sa và những người lính luôn ý thức, chiến đấu và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", ông Xuất kể.
Nhưng làm cột mốc như thế nào khi trong ký ức của ông, ngày xưa đảo Trường Sa Đông chưa có cột mốc mà chỉ có một tấm bia chủ quyền. Ông Xuất lại mày mò lên mạng tìm hiểu, lấy mẫu. Ban đầu xây dựng cột mốc cao chừng 4m, ông chưa bằng lòng nên lại quyết định làm cột mốc cao lớn hơn trong vòng gần một năm ròng.
"Ai đi qua cũng tò mò vào xem. Có ông chủ tịch huyện ở Bình Định đi qua đã quyết định gặp bằng được ông Xuất. Ông này kể cũng từng đi lính ở đảo Trường Sa Lớn, và qua câu chuyện tôi lại tìm thêm được hai đồng đội Nguyễn Đắc Hiếu và Nguyễn Như Hải ở thành phố Quy Nhơn", ông Xuất nói và cho biết từ khi dựng cột mốc đảo Trường Sa Đông đến giờ ông cảm thấy mình gặp nhiều may mắn hơn.
![]() |
Những chiếc túi nhỏ xinh được đan từ những sợi cước những người lính Trường Sa năm xưa được ông Xuất cất giữ cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Cũng nhờ anh Xuất mà giờ anh em chúng tôi có dịp được đoàn tụ, ôn lại những câu chuyện mà đến suốt đời chúng tôi cũng không thể quên được" – ông Nhuận ngồi bên người đồng đội, tâm sự. Hai người lại kéo nhau lên trên phòng khách, nơi ông Xuất dành riêng một chiếc tủ lớn để trưng bày kỷ vật Trường Sa với những con dao tự chế có khắc chữ Trường Sa Đông, hay những chiếc giỏ nhỏ xinh thêu dòng chữ Trường Sa mà ông và các đồng đội đã vất vả nhặt từng sợi cước trôi dạt từ biển vào đảo để đan thành…
"Nhuận à, hôm rồi tao nghe bài hát 'Không xa đâu Trường Sa' mà cứ chực khóc. Nhớ… nhớ lắm mày ạ", ông Xuất mắt đỏ hoe, tâm sự bên những kỷ vật.
25 năm xa đảo, ông Xuất và những đồng đội của mình luôn ao ước có một lần được ra lại hòn đảo xưa, dù đã nhiều lần đăng ký đi Trường Sa nhưng vẫn phải chờ.
Nguyễn Đông