Thị trấn Nazaré ven bờ biển Bồ Đào Nha nổi tiếng với những cơn sóng lớn nhất thế giới có thể lướt được nhờ cấu trúc địa chất độc đáo dưới đáy biển. Vận động viên Sebastian Steudtner đã lập kỷ lục thế giới về lướt cơn sóng lớn nhất vào ngày 29/10/2020. Cơn sóng này cao tới 26,21 m, xuất hiện ngoài khơi bờ biển Praia do Norte, Nazaré.
Suốt khoảng 14 năm qua, phần nhỏ này của Đại Tây Dương đã chứng kiến nhiều kỷ lục thế giới về lướt sóng. Những cơn sóng khổng lồ được tạo ra bởi Hẻm núi Nazaré, một rãnh ngầm ngay ngoài khơi bờ biển Nazaré. Dài khoảng 227 km và sâu 5 km, hẻm núi này chạy vuông góc với bờ biển Bồ Đào Nha. Nó đã dẫn những cơn sóng cực mạnh của Đại Tây Dương về phía bờ biển.
Thông thường, khi sóng lớn từ ngoài khơi tiếp cận bờ biển, chúng bắt đầu chậm lại do tương tác với đáy biển. Tuy nhiên, ngoài khơi Nazaré, các đợt sóng tập trung trong hẻm núi ngầm hướng về bờ và không mất năng lượng cho đến khi tới gần bờ. Khi những cơn sóng nổi lên tại đầu hẻm núi, chúng chạm phải đáy nông và đột ngột trở nên rất cao, theo cuốn sách The Nazaré coast, the submarine canyon and the giant waves của Đại học Coimbra năm 2015.
Hiệu ứng này chỉ tập trung trong một khu vực nhỏ. Cách điểm tập trung gần Praia do Norte chỉ vài trăm mét, sóng đã yếu hơn đáng kể.
Những cơn sóng lớn hơn nữa vẫn có thể xuất hiện, dù thường là trong tình huống đặc biệt. Một trong những cơn sóng cao nhất từng ghi nhận diễn ra vào ngày 10/7/1958, khi một trận động đất 7,8 độ làm rung chuyển Đứt gãy Fairweather ở đông nam Alaska, khiến 90 triệu tấn đá rơi xuống vịnh Lituya.
Cơn sóng theo sau sự kiện này vô cùng dữ dội, gây thiệt hại trong rừng xa đến 200 m ở các ngọn đồi bao quanh vịnh. Tại một phần của vịnh, các cơn sóng dường như vươn lên cao tới 524 m, gần bằng chiều cao của One World Trade Center - tòa nhà chọc trời cao nhất Bắc Mỹ và Tây Bán Cầu.
Ngoài ra, giới chuyên gia ước tính rằng Chicxulub - tiểu hành tinh xóa sổ khủng long cách đây 66 triệu năm - có thể đã gây ra một đợt sóng thần cao tới 1,5 km tỏa ra từ bán đảo ở Mexico ngày nay.
Thu Thảo (Theo IFL Science)