Ngày 9/5, dáng nhỏ thó, gương mặt khắc khổ, bà Nguyệt đi cùng người thân đến TAND TP HCM khá sớm. Bà bị xét xử sơ thẩm lần hai về tội Đưa hối lộ, còn Nguyễn Thị Tuyết Hồng, 30 tuổi, bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Suốt phiên xử, bà Nguyệt lầm lũi, có lúc nghẹn giọng khi nói về lần "lỡ dại" của mình cũng như khi nghe tòa tuyên án.
Cáo trạng xác định, cuối tháng 9/2019, Công an huyện Hóc Môn phát hiện con trai bà Nguyệt là Trần Nhật Minh, 25 tuổi, có biểu hiện nghi vấn nên mời về trụ sở làm việc. Minh thừa nhận cùng đồng phạm thực hiện nhiều hành vi sai phạm, trong đó có lấy trộm xe máy ở huyện Củ Chi. Công an huyện Hóc Môn bàn giao Minh cho Công an huyện Củ Chi thụ lý theo thẩm quyền.
Bà Nguyệt và bạn gái của Minh thông qua bạn bè giới thiệu đến gặp Hồng nhờ tìm người "lo" cho con. Hồng nói có quen điều tra viên tên Hùng thuộc Công an huyện Hóc Môn, có thể giúp Minh được tại ngoại điều tra, hưởng án treo.
Hồng dẫn bà Nguyệt đến trước trụ sở Công an huyện Hóc Môn kêu đợi bên ngoài, còn mình đi vào trong. Lúc sau, Hồng trở ra nói: "Hùng báo chi phí lo tại ngoại là 100 triệu đồng, nếu muốn tuyên án thấp thì phải đợi hồ sơ kết thúc, án treo giá 100 triệu đồng". Ngoài ra, Hồng lấy riêng "tiền cà phê" là 10 triệu đồng.
Bà Nguyệt đồng ý, nhiều lần đưa cho Hồng 90 triệu đồng, hai bên viết giấy giao nhận. Hồng sau đó yêu cầu phải đưa thêm 20 triệu nữa nhưng bà Nguyệt không đồng ý và đòi lại tiền.
Đến ngày 9/10/2019, công an liên hệ yêu cầu bà Nguyệt làm thủ tục bảo lãnh cho con tại ngoại điều tra. Bà này cho rằng không phải do Hồng giúp đỡ, nên tiếp tục đòi tiền. Hồng nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện, nên bà làm đơn tố cáo. Tuy nhiên, bà cũng bị khởi tố, cho tại ngoại.
Cuối năm 2022, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt bà Nguyệt 2 năm tù về tội Đưa hối lộ; Hồng 2 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Cho rằng mức án quá nặng, bị cáo Nguyệt kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tháng 11/2023, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm tuyên huỷ án để điều tra xét xử lại vì cho rằng hành vi của bị cáo Hồng có dấu hiệu cấu thành tội danh khác.
Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo. Khi thụ lý, TAND TP HCM quyết định đưa bị cáo Hồng ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự về giới hạn của việc xét xử, tòa án "có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố".
Chạy án vì thương con
Tại tòa, bà Nguyệt khai vì "xót" con nên đã thế chấp căn nhà lấy tiền đưa cho Hồng lo lót cho Minh. Nhưng sau đó, Công an huyện Củ Chi đã mời bà lên bảo lãnh cho con được tại ngoại. Lúc này, Hồng không biết việc Minh được bảo lãnh cho tại ngoại mà vẫn đòi thêm tiền - bà "chắc chắn cô ta không giúp gì" nên đã đòi lại tiền.
Giọng nhỏ nhẹ, bà Nguyệt thừa nhận hành vi của mình là sai, song nhắc lại "vì thương con" nên mới vướng vào lao lý. Hiện, bà đã lớn tuổi; người chồng mắt mờ sau lần bị Covid-19 nên cả hai đều không có khả năng lao động; phải sống ở nhà thuê và nhờ vào sự nuôi dưỡng của con; Minh thì bị bắt giạm giam để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản... Với hoàn cảnh khó khăn như vậy, bà Nguyệt xin HĐXX xem xét cho hưởng mức án nhẹ và miễn nộp phạt bổ sung 50 triệu đồng theo đề nghị của VKS.
Bị cáo nói phạm tội nặng hơn
Trả lời thẩm vấn, Hồng thừa nhận hành vi của mình phạm tội Môi giới hối lộ chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hồng khai không chủ động đề nghị chạy án cho Minh mà do bà Nguyệt chủ động tìm đến nhờ. Việc bị cáo đòi thêm 20 triệu đồng là đúng theo "giao kèo" giữa hai bên là 110 triệu đồng, nhưng bà Nguyệt mới chỉ đưa 90 triệu.
Số tiền bị cáo nhận của bà Nguyệt đã đưa cho điều tra viên tên Hùng. Vì ông này không thừa nhận việc nhận tiền nên bị cáo phải chịu trách nhiệm với bà Nguyệt. Nhưng thời điểm đó, bị cáo mới sinh con nhỏ, cũng không thể vay mượn được tiền ai để trả cho bà Nguyệt.
Hồng cho rằng, việc con trai bà Nguyệt được bảo lãnh cho tại ngoại là có một phần nhờ sự tác động của bị cáo. Ông Hùng không phải điều tra viên trực tiếp vụ án của Minh nhưng cũng thuộc Đội cảnh sát Hình sự nên có các "mối quan hệ trong ngành và biết được thông tin về vụ án của Minh".
Tuy nhiên, đại diện VKS sau đó khẳng định việc Minh được tại ngoại hoàn toàn không phải do có sự tác động từ việc "chạy án" của Hồng, bởi lúc đó Công an huyện Củ Chi vẫn ra lệnh bắt tạm giam Minh nhưng VKS không phê chuẩn do chưa đủ chứng cứ. Nội dung các cuộc điện thoại giữa Hồng với người tên Hùng cũng không chứng minh được có việc đưa tiền.
Tòa: Bị cáo không Môi giới hối lộ
Sau nhiều giờ xét xử, HĐXX tuyên bà Nguyệt 2 năm tù về tội Đưa hối lộ; Hồng 2 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mỗi bị cáo phải nộp phạt bổ sung 10 triệu đồng, riêng Hồng phải nộp lại 90 triệu đồng là tang vật trong vụ án để sung công quỹ.
Theo HĐXX, lời khai của bị cáo Hồng về việc đã đưa tiền cho điều tra viên tên Hùng để lo cho Minh tại ngoại là không đúng, bởi thực tế Minh được Công an huyện Củ Chi cho tại ngoại Hồng cũng không biết. Quá trình điều tra, ông Hùng cũng phủ nhận việc nhận tiền từ Hồng và có liên quan đến việc con trai bà Nguyệt được tại ngoại. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận truy tố của VKS đối với Hồng về tội Môi giới hội lộ. "Hồng đã đưa ra thông tin gian dối để Nguyệt tin là mình lo cho được cho Minh tại ngoại, từ đó chiếm đoạt 90 triệu đồng", HĐXX nêu quan điểm.
Kết thúc phiên tòa, bà Nguyệt khóc, lầm lũi ra về cùng người con gái lớn.
Hải Duyên