Hôm nay bố mẹ cùng con đến trường dự lễ bế giảng năm học. Nghe nhà trường đọc tên, con nhanh nhẹn bước lên nhận giấy khen cùng phần thưởng, bố mẹ rất tự hào và xúc động, bố thì thấy lòng nao nao, còn mẹ thì rưng rưng nước mắt. Thành quả của 9 tháng con học hành vất vả, đồng thời là 9 tháng bố mẹ nhọc nhằn, lo lắng cho con.
Nhớ cái đêm trước ngày con bước chân vào lớp 1, mẹ con không ngủ được vì lo lắng, dù đã cho con học hè một tháng để chuẩn bị bước vào lớp 1. Nhớ cảnh chen lấn nộp hồ sơ, cảnh đi cậy nhờ để con được vào học bán trú, vì bố mẹ đi làm cả ngày.
Trước ngày con đến trường, ông bà nội, ngoại đã đến thăm cho quà cùng những lời dặn dò con. Các cô, chú, cậu, dì nhân tiện cũng đến chơi, động viên con rất nhiều. Ngày ấy, con như người lính tân binh nhỏ lần đầu ra trận, đi vào cái mặt trận tri thức đầy chông gai, thử thách.
Bố chợt nhớ đến bài tập đọc bố học hồi xưa, bây giờ vẫn còn nhớ: “Hỡi người chiến sĩ của đại đạo quân vĩ đại kia, sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường, hãy xem sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng, con không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy”.
Con sinh ra vào một ngày cuối năm, chịu một tuổi oan nên nhỏ hơn bạn bè. Cả gia đình ai cũng thấy thương và lo cho con.
Và từ đây, con bắt đầu được rèn lấy kỷ luật rồi đấy. Con sẽ tự ăn, chứ không ai bón cho nữa. Bếp ăn ở trường có gì thì con ăn nấy, con không có quyền lựa chọn, đòi hỏi như ở nhà đâu. Con ăn bao nhiêu tùy thích, không ai ép con ăn nữa đâu. Con phải ngồi vào bàn, ngoài 15 phút ra chơi, con không được chạy nhảy, chơi đùa thoải mái như ở nhà hay trường mầm non.
Bố mẹ, ông bà, cô chú, cậu dì là hậu phương vững chắc cho con. Bố nhớ ông nội con kể, hồi chiến tranh, hễ một người ra trận, thì có năm, bảy người phục vụ hậu cần ở hậu phương. Con hôm nay bước chân vào lớp 1 cũng gần như thế.
Người bạn đồng hành thân thiết nhất của con là cái ba lô sách vở. Cái ba lô này to quá lưng con, nặng bằng một phần tư trọng lượng của con. Trong đó chứa đủ loại sách vở, dụng cụ học tập, bi-đông nước uống, vật dụng cá nhân của con. Những thứ đó vị chi cũng hơn nửa triệu đồng.
Vài hôm sau con đi dự lễ khai giảng, lần đầu tiên con phơi nắng gần 2 giờ đồng hồ ngoài sân trường. Mẹ con xót lắm nhưng mà biết làm sao.
Được một tuần, con đem về cái giấy mời họp phụ huynh đầu năm và cái list thông báo các khoản thu của nhà trường, nào là học phí, bảo hiểm, quỹ hội phụ huynh lớp, hội phụ huynh trường, dụng cụ học tập, dụng cụ sinh hoạt bán trú, đồng phục, quỹ liên đội... tất tần tật hơn một triệu đồng. Ai bảo học lớp 1 ít tốn kém? Đó là chưa kể khoản bán trú hàng tháng, và trong năm học, 2 lần nhà trường gửi thư kêu gọi phụ huynh ủng hộ sửa chữa cơ sở vật chất và ủng hộ văn nghệ mừng xuân, rồi các ngày lễ Tết, ai cũng phải có chút quà mọn khi đến thăm thầy cô.
Hơn nửa học kỳ 1, bố mẹ thường hay bực mình vì cái điệp khúc “mất và hỏng” bút, tẩy, thước, giấy màu của con. Áo quần con, khi đi trắng tinh, khi về lem luốc. Mồ hôi, bụi quét lớp, bụi phấn, vết mực - phần thì của con, phần thì của các bạn con vô tư vấy lên quần áo. Rồi những vết trầy xước, vết bầm do con và các bạn gây ra cho con.
Mỗi ngày, sau tiếng trống vào lớp, cánh cổng trường khóa lại. Bố mẹ không thể biết hết cái “thế giới” bên trong ngôi trường như thế nào. Mẹ muốn đến xem bữa cơm con ăn uống thế nào, nhưng bảo vệ không cho vào và nói đó là quy định. Bữa cơm trưa ở gia đình dọn lên, mẹ con thường nói không biết ở trường con ăn gì, ăn ngon không?
Một lần mẹ của bạn con lẻn vào được với lý do “đem thuốc cho con” mới thấy bữa cơm của trường. Mỗi đứa một chén cơm đầy với 2 lát thịt lợn, nước chan và chén canh “toàn quốc” (toàn nước, ít rau). Mà thôi, bữa cơm với giá 15 nghìn đồng, sao ngon hơn được? Chỉ cầu mong rằng, cơm canh sạch sẽ, an toàn là được rồi.
Những nét chữ đầu tiên của con trong vở thật là... kinh khủng, nhưng rồi dần dần cũng nên chữ, nên hình. Hết một học kỳ là con đã biết đọc, biết viết và biết làm toán nữa. Con tiến bộ rất nhiều. Bố mẹ xin cảm ơn cô giáo con và nhà trường. Con quả là “thông minh diệu kỳ”, hơn hẳn bố mẹ ngày xưa.
Ngày xưa tuổi như con, bố mẹ phải tự lo mọi thứ, tự đi đến trường, rồi tự đi về. Chỉ học một buổi thôi, tuần nghỉ 2 buổi vào thứ năm và chủ nhật. Về nhà chẳng bao giờ ông bà kiểm tra vở học của bố mẹ ở trường, cũng như chẳng bao giờ dạy học ở nhà cho bố mẹ. Ông bà chỉ lo ra đồng làm lụng suốt ngày.
Còn con bây giờ sáng học chính, chiều học bán trú, tối về bố mẹ kiểm tra, giúp con tập đọc, tập viết, làm toán, làm thủ công. Mẹ con lo xa, còn mua thêm sách tham khảo để dạy con học ở nhà. Thứ bảy, chủ nhật các bạn con còn phải đến nhà cô “học kèm” để luyện chữ, ôn luyện toán. Không phải sợ tốn thêm một khoản tiền, nhưng sợ con thành “cái máy học”, sợ con kiệt sức nên bố mẹ không cho con đi học kèm.
Ông nội con không nhất trí, cho rằng nhiều bạn con trong lớp đều đi “học kèm”, sao con lại không? Nhưng vì lo cho sức khỏe của con, bố đã không nghe lời của ông, làm ông không được vừa lòng.
Đến trường một thời gian, bố thấy con dần dần thay đổi. Từ chỗ vô tư, nũng nịu, thích gì được nấy, sau nửa học kỳ thôi, con đã biết “sợ”. Với con, chỉ cô mới đúng và cô là người con mới “sợ”. Nhờ thế cái tính nghịch ngợm, ngang bướng của con mới bớt dần đi.
Cô làm gì mà các con đều nghe và làm theo răm rắp? Đó là những lần các con bị bắt đứng, bị quỳ, bị thước khẽ vào bàn tay, mông đít, bị véo tai. Riêng con, một lần vì nghịch ngợm, lơ đễnh, đùa dai với bạn, bị cô “tặng” một thước gỗ vào chân, con đi cà nhắc mất hai ba ngày. Về nhà, bố mẹ hỏi, con bảo là tự té. Hóa ra con đã bắt đầu biết nói dối. Chính bạn con đã kể lại cho bố chuyện con bị cô đánh. Dẫu biết rằng, trẻ con như tờ giấy trắng, hiếm khi đặt điều, dựng chuyện như người lớn, nhưng bố vẫn không tin ngay, bố đã hỏi thêm 2 đứa bạn con nữa. Và đó đúng là sự thật.
Là bố mẹ, ai không bức xúc vì con mình bị đánh. Đến trường gặp ban giám hiệu để thưa trình ư? Ông bà con từng trải gần hết đời, nghe chuyện cũng ấm ức lắm nhưng rồi cũng căn ngăn bố mẹ việc kiện cô giáo con. Bằng chứng đâu? Ghi âm, ghi hình đâu? Ai làm chứng? Chẳng lẽ bố mẹ lấy bạn con, đứa con nít ra làm chứng? Mà bố mẹ chúng đời nào chấp nhận chuyện đó? Tự nhiên lôi con họ vào cuộc kiện thưa, ai mà chịu!
Thôi, sống trên đời phải biết nhẫn. Mà cũng tại con mình. Một bà bán bánh mì đầu xóm cũng biết đưa ra cho bố một lời “phản biện”: “Tại sao người ta không đánh con của người khác mà đánh con của anh?”. Bố đành im lặng, biết trả lời thế nào đây. Nhưng rồi mọi chuyện dần dần cũng nguôi đi, dù vết sẹo vẫn còn.
Sau chín tháng ở lớp 1, con đã biết đọc thông, viết thạo, biết làm toán, viết chính tả, kể chuyện và hát nữa. Nhưng đáng mừng nhất là con biết “con không phải là tất cả”, con biết con được phép làm gì và không được phép làm gì. Và đặc biệt, con biết chấp nhận những cái không như mong muốn đối với mình: bị cô phạt; bị bạn nghịch hắt nước vào người; bị bạn xô ngã xuống vũng nước bẩn; bị bạn bắt nạt, giật đồ chơi, lấy bút, xé vở... Mỗi lần như vậy, con đã khóc. Nếu là ở nhà, bố biết, dỗ con nín là việc không dễ dàng. Ở trường, con khóc, rồi tự nín. Môi trường lớp học không cho phép con khóc được lâu.
Bố mẹ rất mừng khi thấy con đeo chiếc ba lô trên lưng bước đi vững vàng. Và rất mừng khi mỗi sáng con thường giục mẹ nhanh chở đi học kẻo trễ giờ. Con đã biết lo cho mình rồi đó. Nhớ những tháng đầu đi học, mỗi sáng, bố mẹ xin lỗi phải gọi con dậy khi con còn ngủ say. Con chưa kịp tỉnh táo, bố mẹ phải ép con ăn hết một tô cháo trong chừng 15 phút để kịp đến trường. Trời lạnh giá, đang ngủ say con phải bật dậy, không muốn ăn con cũng phải ráng nuốt. Ban ngày học 7-8 tiếng, tối về học thêm 1-2 tiếng nữa. Với bố mẹ, con đúng là “anh hùng”, “siêu nhân”!
Bố mẹ mừng vì ở trường con học bao điều hay mà ở nhà bố mẹ không thể dạy con hết được. Nhưng bố mẹ hơi buồn vì con đã đôi lần nói dối, thậm chí nói tục, chửi thề. Con nói mà chẳng hiểu gì. Con chỉ bắt chước các bạn con. Con bắt đầu bị nhiễm những thói xấu nhưng con đâu có biết. Thầy cô chỉ dạy con điều hay lẽ phải, nhưng môi trường học tập của con là một “xã hội thu nhỏ”, con bắt đầu bị nhiễm thói xấu.
Thói xấu đó theo tháng năm sẽ lớn dần lên, con có biết không? Bố mẹ chưa tìm được liều văcxin gì thích hợp để nâng cao “sức đề kháng” cho con. Nhưng bố tin rằng, sau những lần vấp ngã, con tự mình đứng dậy; sau những lần đau, con khóc và tự nín. Cái gì rồi cũng ổn thôi, con nhé! Con hãy vững tin đến trường, bố mẹ và ông bà sẽ là “hậu phương” vững chắc cho con.
Bố mẹ vừa trải qua 9 tháng đồng hành cùng con học lớp 1. Sách vở, quần áo, các khoản tiền, đưa đi đón về, học cùng con, vui cùng con. Duy chỉ có buồn lo là bố mẹ nhận lấy riêng cho mình. Con có hiểu không?
Những dòng này của bố mẹ, con hãy đọc, xem như một bài tập đọc hàng ngày, con không cần hiểu, mà làm sao con hiểu được? Bố mẹ sẽ cất giữ nó cho đến mười năm sau, khi đó con không chỉ hiểu mà còn biết con cần phải làm gì, con ạ!
Lê Xuân Chiến
GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước, Quảng Nam