Đó là bà Trần Thị Luyên sinh năm 1944, ngụ tại khu phố Vân Trì, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội.
Bà Trần Thị Luyên. |
Bà Luyên sinh ra trong một gia đình bần nông, từ nhỏ phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Vì bố đi bước nữa, nên ngay từ nhỏ bà đã phải chị nhiều vất vả, khổ cực.
Khi lớn lên, lập gia đình, bà lại lấy phải một người chồng vô trách nhiệm, cờ bạc, gia trưởng, cậy quyền và hay đánh đập bà. Chính vì vậy, bà phải chịu rất nhiều cay đắng và khổ cực...
Nhưng vốn dĩ bà là một người hay làm, chịu thương chịu khó nên đã vượt qua mọi khó khăn. Một tay bà vừa làm mẹ, vừa làm cha chắt chiu nuôi dạy một đàn con lớn khôn và lần lượt dựng vợ gả chồng cho các con.
Những tưởng mọi chuyện như vậy cứ thế dần trôi đến ngày bà được an hưởng tuổi già, vui vầy bên con bên cháu, nhưng ai nào ngờ tai họa lại ập đến với gia đình.
Cậu con trai út là Trần Ngọc Chung sinh năm 1982 đang theo học ở trường xây dựng Việt Xô 1, tại Xuân Hòa, Mê Linh, Vĩnh Phúc không may bị trượt chân ngã vào đá nên bị liệt tứ chi.
Gia đình đã đưa anh đi chạy chữa nhưng tình hình không khá hơn là bao. Tiền vẫn mất, tật vẫn mang, rồi di chứng ấy để lại cho anh một thân hình tàn tạ và để lại cho bà Luyên một gánh nặng lớn.
Ở cái tuổi 70, người mẹ ấy vẫn phải chống gậy đội nắng, đội mưa ra đồng cuốc đất trồng rau, chắt chiu nhặt nhạnh từng đồng để nuôi thân mình, nuôi anh Chung và chữa bệnh cho anh. Điều đó khiến bà con chòm xóm ai cũng thương cảm và xót xa trong lòng.
Bà Luyên đang bón cơm cho anh Chung. |
Bản thân anh Chung rất chán nản tuyệt vọng và buông xuôi mọi thứ. Nhưng trước tình yêu bao la của mẹ dành cho mình, anh dần lấy lại được cân bằng.
Qua đài, báo, TV, điện thoại…, anh Chung có biết đến các câu lạc bộ và các bạn khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước. Sau một thời gian tiếp xúc, anh nhận thấy các bạn còn rất tự ti, mặc cảm, thiếu kiến thức. Các bạn sinh viên rất nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật, nên đôi khi lại vô tình làm các bạn khuyết tật bị tổn thương thêm.
Nhìn nhận thấy những thiếu xót đó cộng thêm khát vọng sống và sống có ích nên anh đã lập ra nhóm "sắc màu cuộc sống’" để cho mọi người có thêm một sân chơi hòa nhập khắc phục những thiếu sót đó.
Anh Chung và nhóm sắc màu cuộc sống. |
Cũng kể từ khi có nhóm "sắc màu cuộc sống", anh và mọi người được trò chuyện, tâm sự, chia sẻ và được bộc lộ khả năng của bản thân. Từ đó, anh và các bạn trong nhóm rất vui và tự tin hơn nhiều.
Nhìn thấy con và các bạn tự tin, vui vẻ nên bà Luyên cũng cảm thấy vui hơn. Tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn chẳng thể nào xóa nhòa được nỗi lo hiện trên khuôn mặt mẹ.
"Nếu tôi 'ra đồng' thì không biết con mình sẽ ra sao. Ai sẽ là người lo cho con mình đây". Câu hỏi này cứ ngày ngày đè nặng trong lòng, khiến bà chẳng mấy khi vui được.
Nhìn vẻ âu lo phiền muộn của bà Luyên và anh Chung, tôi chỉ biết cầu chúc cho họ luôn được bình an, mạnh khỏe. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có một phép màu nhiệm đến với họ!
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Trần Thị Hằng