Nỗi lo chảy máu chất xám, việc các trí thức Việt Nam đi học ở nước ngoài rồi ở lại luôn là chủ đề gây tranh cãi trong giới khoa học. Lý do cho việc ở lại, hoặc thậm chí về rồi lại đi, rất nhiều và đều được cho là hợp lý. Giáo sư Nguyễn Văn Thuận, sau nhiều năm giảng dạy ở Hàn Quốc, nghĩ như thế nào? Dưới đây là nội dung thư của ông viết gửi VnExpress:
Giáo sư Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Kobe vào năm 2002. Năm 2002-2007, ông làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Công Nghệ Sinh học thuộc Viện RIKEN, Nhật Bản. Từ tháng 3/2007 đến nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Kiến Quốc (Konkuk), Seoul, Hàn Quốc. Hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Đầu tháng 11, nhân chuyến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Khoa học Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tới trường Đại học Konkuk – trường đại học tư nằm trong top 5 của Hàn Quốc, tọa lạc ở trung tâm Seoul. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân có buổi giao lưu thân mật với sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường.
Đại diện cho sinh viên Việt Nam, nghiên cứu sinh Võ Tấn Việt, cựu hội trưởng hội sinh viên Việt Nam tại trường Konkuk nói rằng, các bạn sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc luôn cố gắng học ngày học đêm với mục đích duy nhất là trang bị kiến thức để về xây dựng quê hương. Tuy nhiên thực tế điều kiện cơ sở hiện nay ở Việt Nam đang khiến họ chùn bước.
"Thành tích của chúng em còn cao hơn cả sinh viên Hàn Quốc. Nhưng khi học xong về nước chúng em lại không thể phát triển chuyên môn của mình. Còn các bạn Hàn Quốc ngược lại. Vì thế, nếu ở nước ngoài, chúng em sẽ áp dụng kiến thức mình có vào nghiên cứu khoa học. Vậy xin hỏi tại sao chúng em không thể phát triển được khi đã trang bị đầy đủ kiến thức trên quê hương mình?".
Nghe đến đây thì cô thông dịch viên tên Thu Hương, nghiên cứu sinh trường Đại học Konkuk nghẹn ngào xúc động và phải dừng mất vài phút.
Tôi biết nhiều sinh viên của tôi ngồi phía sau rơi nước mắt, tôi cũng không ngăn được sự xúc động và lấy kính đeo để che không cho quan khách trông thấy. Bởi chúng tôi là các giáo sư chủ nhà đang tiếp đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ và hơn nữa chúng tôi không muốn Ban giám hiệu và các giáo sư Hàn Quốc (ngoài tôi) biết những trăn trở của các em về tình trạng của đất nước.
Tôi hiểu tại sao các em chảy nước mắt khi nghe những lời đó. Tất cả sinh viên đã trải qua thời gian gian khổ chỉ ngủ 2 đến 3 tiếng dành thời gian còn lại cho luận án tiến sĩ của mình trên đất khách quê người thực sự thấm thía điều đó.
Bộ trưởng Nguyễn Quân tại buổi gặp gỡ sinh viên Việt Nam ở trường Konkuk. Ảnh do GS Thuận cung cấp. |
Tại sao sinh viên chúng ta học giỏi, làm giỏi và rất thành công trong cống hiến khoa học sau khi tốt nghiệp và tiếp tục nghiên cứu tại nước ngoài?. Trong khi nếu trở về Việt Nam thì hầu hết sự nghiệp nghiên cứu khoa học chấm dứt, cuối cùng các em phải tìm cách ở lại, để phấn đấu ngày đêm xây dựng nhà hàng xóm đã giàu có, còn đất nước mình vẫn đang còn rất nghèo và khó khăn. Thật xót xa.
Nhiều người nhận thấy khuôn mặt suy tư đăm chiêu Bộ trưởng Nguyễn Quân khi nghe những âm thanh nghẹn ngào đó của các em sinh viên. Tôi nghĩ Bộ trưởng rất thấu hiểu cái nghịch cảnh đất nước bỏ tiền của ra cho các em ăn học thành tài, không lý gì mà không tạo điều kiện tối thiểu nhất để các em trở về xây dựng quê hương.
Giây phút yên lặng cộng với giọng nói nghẹn ngào của cô thông dịch viên kéo dài trong vài phút. Hình như đến đây các giáo sư Đại học Konkuk và Ban giám hiệu mới hiểu ra (vì hầu hết thế hệ họ đã trải qua những năm nghèo đói và phải đi làm thuê cho Hàn Quốc 30 năm trước đây), họ đồng loạt vỗ tay thật lớn để tỏ lòng cảm kích cũng như cám ơn các em sinh viên Việt Nam. Cám ơn các em, cám ơn các em sinh viên của tôi thật nhiều, các em đã làm thay đổi suy nghĩ trong tôi.
Phải về thôi, phải về để các em không phải lang thang xây dựng nhà hàng xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về "nhà mình" còn rất nghèo. Trách nhiệm đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước các em - trách nhiệm của thế hệ chúng tôi. Chỉ có thế hệ chúng tôi và thế hệ trước chúng tôi, những người đã trưởng thành về chuyên môn và tạm được thế giới công nhận mới có thể tạo nền tảng cơ bản trong nghiên cứu và học thuật tại quê hương để các em trở về "có đất" phát triển.
Lòng tôi tự nhủ phải về thôi. Nhưng quyết định này thật khó khăn cho tôi và nhiều người có vị trí giáo sư ổn định ở trường đại học lớn tại các nước phát triển. Vì nhiều hệ lụy liên quan không chỉ mình chúng tôi mà ai cũng có một gia đình nhỏ cần phải giữ nó hạnh phúc trước khi muốn làm cái lớn hơn.
Trong phần thảo luận với sinh viên, Bộ trưởng Nguyễn Quân khiến cho chúng tôi kỳ vọng hơn với quyết định "Về thôi" của mình trước đây qua những nhắn nhủ và thông báo cho chúng tôi các chính sách mới về trọng dụng nhân tài và phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước gần đây.
Bộ trưởng thông báo đến các em sinh viên những chính sách và chủ trương mới nhất mà Bộ soạn thảo về phát triển khoa học và của Việt Nam trong những năm tới. Chính sách đó đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua làm nền tảng, động lực và quốc sách cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên với tư cách là người đi trước có chút kinh nghiệm, tôi khuyên các anh chị và các em sau khi tốt nghiệp tiến sĩ nên tìm mọi cách để có thể làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại những phòng thí nghiệm có người hướng dẫn với tầm vóc quốc tế (đây cũng là điều khó). Trong thời gian đó vừa xây dựng lý lịch khoa học cho mình, vừa chứng tỏ sự độc lập và tự tin trong nghiên cứu để hòa nhập với dòng chảy khoa học quốc tế. Khi đó các em trở về quê hương đóng góp tri thức của mình cho đất nước là tốt nhất.
Cuối cùng cám ơn các em sinh viên Việt Nam tại Trường Konkuk, những giọt nước mắt và những con tim xúc động nghẹn ngào của các em đã làm thay đổi và giúp tôi quyết định "Về thôi". Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Quân tạo cho tôi niềm tin nhiều hơn để có thể nói "Về thôi, về để mở đường cho các em được phát triển trên quê hương Việt Nam".
Nguyễn Văn Thuận
Độc giả nghĩ sao về mong muốn quay trở về Việt Nam và lời khuyên dành cho thế hệ trẻ của giáo sư Nguyễn Văn Thuận?. Nếu có ý kiến, mời độc giả đăng vào phần "Ý kiến của bạn" bên dưới (gõ tiếng Việt có dấu) hoặc gửi thư vào địa chỉ Khoahoc@vnexpress.net.