Trong buổi lễ hôm 4/4 ở trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ để kỷ niệm 75 năm khối được thành lập, các quan chức và nhà ngoại giao đã cùng nhau chúc mừng một liên minh lớn hơn, với 32 thành viên, và khăng khít hơn so với nhiều năm trước. Từ một khối quân sự bị coi là "chết não", NATO đã lột xác nhờ xung đột Nga - Ukraine đã khiến họ thay đổi.
Để đánh dấu thời khắc này, NATO đã đưa Hiệp ước Washington, tài liệu thành lập liên minh, từ Mỹ đến Brussels và trưng bày tại tổng hành dinh.
Nhưng những lời chúc mừng về mối đoàn kết của khối nhiều lúc bị lấn át đi bởi các cuộc trò chuyện bên lề, đáng chú ý nhất là về khả năng cựu tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, viễn cảnh khiến các thành viên NATO ở châu Âu thấp thỏm.
Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã công khai ý định muốn rút Mỹ khỏi NATO, cho rằng liên minh này đã trở thành gánh nặng của Washington. Ông cũng tiết lộ từng đe dọa sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với những đồng minh NATO không đáp ứng yêu cầu về chi tiêu quốc phòng của khối.
Những tuyên bố của Trump đã làm dấy lên lo ngại rằng nếu tái đắc cử, lời lẽ của ông sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với NATO khi họ tìm cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu Nga.
Trong những tuần trước đó, các lãnh đạo NATO đã không ngừng thảo luận về cách bảo vệ liên minh trước ảnh hưởng từ cựu tổng thống Mỹ, song không đạt nhiều kết quả. Với những người đặt niềm tin vào sứ mệnh của NATO, nỗi lo sợ về những gì sắp xảy ra chỉ càng lớn thêm.
"Liên minh này trong 75 năm qua đã thực hiện chính xác những gì nó được lập nên để làm, đó là cải thiện an ninh tập thể của các thành viên", trung tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý NATO sẽ bị ảnh hưởng nếu các đồng minh mất niềm tin trước cam kết của Washington về việc bảo vệ họ. "Nếu ông Trump điều hành chính quyền Mỹ, chúng ta có nguy cơ mất tất cả những thứ đó", Hodges nhấn mạnh.
Hiện tại, NATO đang cố gắng hạn chế thiệt hại tiềm tàng bằng cách thuyết phục Trump và những người ủng hộ ông rằng liên minh xứng đáng được giữ vững. Tại các sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập khối diễn ra tuần qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cố gắng đề cập đến việc "chia sẻ gánh nặng" bất cứ khi nào có cơ hội.
Theo giới quan sát, đây giống như một cái gật đầu tế nhị trước lời kêu gọi châu Âu phải làm nhiều hơn nữa phát ra từ phía Mỹ, đặc biệt là từ Trump.
"Tôi không tin vào một nước Mỹ đơn độc, cũng như không tin vào một châu Âu lẻ loi", ông nói hôm 4/4. "Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ và an toàn hơn".
Liên minh cũng đang thảo luận cách để tách vai trò của NATO ở Ukraine khỏi nền chính trị Mỹ. Hôm 3/4, Tổng thư ký Stoltenberg đề xuất NATO cần tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, cơ quan do Mỹ dẫn đầu điều phối viện trợ quân sự cho Kiev và đặt mục tiêu tập hợp gói viện trợ quân sự lên tới 100 tỷ USD trong 5 năm tới.
Đề xuất này gửi đi một "thông điệp rõ ràng" rằng liên minh "nhất trí về một mong muốn thể chế hóa khuôn khổ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ Ukraine lâu dài", Karen Donfried, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, thành viên cấp cao tại Trung tâm Harvard Belfer, nhận xét. Dù vậy, bà cho biết việc nó đi đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào các cuộc đàm phán diễn ra thế nào.
Ý tưởng đằng sau kế hoạch trên là đảm bảo duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự lâu dài cho Ukraine bất kể ai giữ chức tổng thống Mỹ, nhằm giúp Kiev "tránh khỏi những làn gió chính trị đảo chiều" ở Washington, như lời một nhà ngoại giao NATO.
Các thành viên NATO đã đồng ý về một số khía cạnh của đề xuất, nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể và các cuộc thảo luận mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Theo hai quan chức giấu tên am hiểu vấn đề, một số đồng minh muốn NATO có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nhóm liên lạc, vốn đang chủ yếu dựa vào đầu tàu Mỹ, nhằm ngăn chặn kịch bản hoạt động của họ rơi vào hỗn loạn nếu ông Trump tái đắc cử. Song những người khác coi mô hình này vẫn vận hành ổn và "không có lý do gì để sửa".
Hôm 3/4, John Kirby, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nhấn mạnh Mỹ không có ý định từ bỏ vai trò lãnh đạo trong nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine.
"Nhóm đã hoạt động rất, rất hiệu quả", ông nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn dắt. Và chúng tôi biết rằng vai trò lãnh đạo của chúng tôi đối với nhóm liên lạc được đánh giá cao, điều đó rất quan trọng".
Hôm 4/4, Tổng thư ký Stoltenberg vẫn giữ mọi thứ mơ hồ, cho biết trong họp báo rằng các chỉ huy quân sự hàng đầu của liên minh đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu "một số loại cấu trúc" được củng cố bởi "một số loại cam kết tài chính".
Đề xuất tập hợp gói viện trợ quân sự 100 tỷ USD cho Ukraine của Stoltenberg cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Nhiều đồng minh, tỏ ra ngạc nhiên trước con số này, đặt câu hỏi liệu viện trợ đang được phân bổ có được tính vào cam kết không, hay đây là một cam kết hoàn toàn khác. Cho đến nay, NATO vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Camille Grand, chuyên gia chính sách của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, trụ sở tại Berlin, cho biết con số 100 tỷ USD không phải một kế hoạch cụ thể, mà đóng vai trò như một thông điệp chiến lược của NATO. Thông điệp đó là "hãy nghĩ lớn và hành động vì Ukraine", ông nói.
Theo ông, NATO đang ngày càng chủ động hơn về chi tiêu quốc phòng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng các quốc gia thành viên có thể lập tức huy động nguồn lực hay chính quyền Trump trong tương lai không thể tác động tới họ.
"Nếu chính quyền tiếp theo tại Mỹ quyết định chấm dứt mọi khoản viện trợ cho Ukraine, sẽ rất khó để các đồng minh NATO nói với họ rằng 'này, bạn không thể làm thế, chúng tôi không đồng ý'", Grand cho hay.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)