"Trước đây tôi mua được 5 dẻ sườn giá 70 tệ (0,87 USD), giờ hai dẻ mà giá gần 60 tệ", ông Zhu, người lao động đã nghỉ hưu sống ở Quảng Châu, cho biết hôm 22/9.
Giá thịt lợn ở trung Quốc tăng hơn 50% so với một năm trước, trung bình 31 tệ/kg (4,4 USD) ở 22 tỉnh thành tính đến 22/9, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, theo nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính Wind.
Thịt lợn là loại chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thực phẩm ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Trước đó, giá thịt lợn thấp giúp Trung Quốc giảm bớt áp lực lạm phát nhưng giá tăng kể từ tháng 4 buộc giới chức phải cảnh giác.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) tháng này đưa ra thị trường hai lô thịt lợn từ kho dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần vào đầu tháng 10.
NDRC xuất lô thứ ba 14.400 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho vào 23/9, đẩy tổng lượng thịt lợn dự trữ được đưa ra thị trường lên gần mức lịch sử 200.000 tấn.
"Do nghỉ lễ Quốc khánh sắp đến, nhu cầu về các loại thực phẩm thiết yếu như rau và thịt lợn đang bùng nổ. Cùng với những yếu tố bất lợi như đại dịch lây lan và mưa lớn ở một số vùng, công tác đảm bảo ổn định giá cả các loại thực phẩm thiết yếu đang đối mặt áp lực nhất định", bà Meng Wei, phát ngôn viên NDRC, hồi đầu tuần thừa nhận.
Ma Jinzhen, giáo viên ở Quảng Châu, ngoài 30 tuổi, cho hay giá thịt thăn hồi tháng 7 trong các chuỗi cửa hàng bán thịt tươi sống khoảng 20 tệ/kg (2,82 USD) nhưng bây giờ gần 27 tệ (3,81 USD).
"Bây giờ, giá thịt lợn trong siêu thị, chợ truyền thống và nền tảng mua sắm khác nhau, có thể do một số nơi bán thịt lợn đông lạnh, còn một số nơi bán thịt lợn tươi", bà nói.
Ma cho hay gia đình 4 người phải chi nhiều tiền hơn cho thức ăn, trứng, rau, dầu lạc, tất cả đều đắt hơn đầu năm.
"Giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, đang tăng do các yếu tố theo chu kỳ và mùa, chi phí năng lượng và vận chuyển tăng, cũng như tác động của hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng ở phần lớn miền nam và miền trung Trung Quốc", theo báo cáo của Trivium China, công ty phân tích chính sách có trụ sở tại Bắc Kinh.
"Trong hai tháng tới, chính quyền có thể áp dụng nhiều biện pháp hơn để kiểm soát giá lương thực thực phẩm", công ty nhận định.
Dữ liệu lạm phát tháng 8 của Trung Quốc cho thấy giá thực phẩm nói chung tăng 6,1 % so với một năm trước. Giá thịt lợn tháng 7 tăng 22,4% so với một năm trước.
Dong Lijuan, chuyên viên cấp cao Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), cho hay mức tăng cao "chủ yếu do năm ngoái giá nền thấp". CPI tổng thể của Trung Quốc tăng 2,5% trong tháng 8 so với một năm trước. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ đã lên 9,1%, mức cao kỷ lục trong 40 năm, vào tháng 6. Chỉ số đã giảm xuống 8,3% vào tháng 8 nhưng đây vẫn là mức cao.
"Giá thịt lợn tăng đang đẩy giá tiêu dùng tăng nói chung", Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á, Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận xét. "Nhưng nói chung, lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức vừa phải trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm. Chúng tôi dự đoán tình hình này duy trì trong những tháng tới".
Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS giải thích giá thịt lợn trước đây tương đối thấp vì nguồn cung dồi dào từ các trang trại, nhưng khi nguồn cung giảm xuống, giá đã tăng lên. Fu cho hay giá vẫn ở giai đoạn đi lên nhưng sẽ không tăng quá mạnh vì các trang trại vẫn có thể đảm bảo nguồn cung ở mức vừa phải.
"Theo tôi, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng và chính phủ sẽ cố gắng dùng kho dự trữ để làm chậm tốc độ lạm phát giá thịt lợn", Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nói.
Ngành dịch vụ nhà hàng vốn bị ảnh hưởng do tâm lý người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch và các đợt đóng cửa, áp đặt hạn chế, nay tiếp tục chịu tác động từ giá thịt lợn tăng.
"Nhà hàng chúng tôi tiêu thụ rất nhiều thịt lợn hàng ngày nhưng không dám tăng giá", Pan Wei, người điều hành một nhà hàng Quảng Đông ở Quảng Châu gần 20 năm, cho hay.
"Do Covid bùng phát, công việc kinh doanh từ năm ngoái đã không tốt. Tình hình ngày càng khó khăn hơn mỗi khi chúng tôi cố gắng trụ lại để không phải đóng cửa. Chúng tôi cố đưa ra nhiều món ăn hơn, sử dụng nhiều cá và gia cầm hơn, hy vọng cắt giảm được chi phí", ông bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)