Năm 1975, dân số TP HCM khoảng 3 triệu người. 47 năm sau, số người sinh sống tại thành phố là gần 10 triệu, chưa tính khách vãng lai. Để đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển kinh tế của đô thị lớn nhất nước, hơn 4 thập niên qua, ngành cấp nước thành phố liên tục tăng công suất, từ 450.000 m3 lên 2,4 triệu m3 - hơn gấp 5 lần.
Thống kê thời gian gần đây cứ 5 năm, thành phố lại tăng một triệu người. Nếu tính mỗi người cần trung bình 200 lít nước một ngày, đô thị lớn nhất Việt Nam sẽ tiêu thụ thêm 365 triệu m3 nước mỗi năm - bằng gần 1/4 dung tích hồ Dầu Tiếng (1,5 tỷ m3). Đó là chưa kể nhu cầu về nước cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ còn cao hơn nhiều so với nước sinh hoạt.
Trong khi dân số ngày càng tăng, diện tích sông ngòi giảm do bị lấn chiếm trong quá trình đô thị hoá, chất lượng nước ngày một kém đi. Nghịch lý này khiến nhiều chuyên gia môi trường lo ngại về một tương lai thiếu nước của trung tâm kinh tế TP HCM.
"TP HCM không thiếu nước vật lý, nhưng có nguy cơ thiếu nước kinh tế", PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, đúc kết.
Theo ông Khôi, thiếu nước vật lý do vị trí địa lý của khu vực đó không đủ nước ngọt để cung cấp cho tiêu dùng. Còn thiếu nước kinh tế xuất phát từ quản lý yếu kém khiến nguồn nước đáng lẽ đủ nhưng không bảo đảm nhu cầu. TP HCM có nguy cơ rơi vào nhóm thứ hai. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số quốc gia, khu vực trên thế giới thiếu nước, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
"Việc có đủ nước sạch để người dân sử dụng trong tương lai là một thách thức lớn", Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói trong một hội thảo hồi 2019. Khi đó, thành phố đã nhận ra nguy cơ đe doạ an ninh nguồn nước của đô thị 10 triệu dân, gồm ô nhiễm nguồn nước thô, hệ thống cấp nước lạc hậu và nguy cơ xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá ô nhiễm nguồn nước là mối đe doạ lớn nhất với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, ước tính gây tổn thất 3,5% GDP mỗi năm tính đến 2035. Thiệt hại kinh tế của TP HCM còn lớn hơn khi đây là nền kinh tế lớn nhất nước và một trong 10 đô thị chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới vào năm 2060.
Trước một tương lai ngày càng khó lường, an ninh nguồn nước của TP HCM còn tồn tại không ít lỗ hổng. Điển hình là hệ thống nước dự phòng của thành phố chưa thật sự sẵn sàng cho một khủng hoảng kéo dài quá 24 giờ. Nguồn nước độc lập duy nhất của TP HCM là hệ thống nước ngầm với tổng công suất 115.000 m3 mỗi ngày. Mức này chỉ đủ cấp nước cho khoảng 638.000 người (180 lít mỗi người), không thể là chỗ dựa an ninh nguồn nước cho đô thị lớn nhất nước. Chưa kể, việc tiêu thụ nước ngầm là nguyên nhân chính gây sụt lún đô thị.
Tại hai nhà máy lớn nhất TP HCM là Thủ Đức và Tân Hiệp, mỗi nơi chỉ có hồ chứa đủ để trữ nước trong vòng 5-7 giờ cùng với 400.000 m3 công suất nước dự phòng. "Thành phố có thể cầm cự không quá một ngày nếu mất nước hoặc mất điện để bơm nước. Chúng ta chưa có đủ nguồn nước dự phòng trong tình huống khẩn nguy", ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nói.
Để lấp những lỗ hổng này, TP HCM đã lên kế hoạch từ nay đến năm 2050 xây dựng 6 hồ chứa nước thô và trạm bơm nước trung gian có khả năng dự trữ trong 7-10 ngày nếu xảy ra sự cố với các dòng sông. Các hồ chứa này có vai trò đặc biệt quan trọng khi nước nhiễm mặn không thể xử lý được mà phải ngưng cấp nước, hoặc chờ hồ Dầu Tiếng, Trị An xả nước đẩy mặn.
Đồng thời, thành phố cũng thiết kế và xây dựng lại, nâng cấp các hệ thống đường ống nước để chuyển từ mạng vòng sang mạng xương cá. Phương pháp này vừa đảm bảo trữ nước, vừa giải bài toán áp lực nước không đồng đều. Thế nhưng, đây là giải pháp của tương lai khi vị trí 6 hồ chứa đang chờ Sở Quy hoạch và Kiến trúc chọn quỹ đất đủ rộng đưa vào quy hoạch chung.
"Dự án này cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm vì chi phí cao nhưng lợi nhuận không đáng bao nhiêu", ông Giang nói và cho biết chỉ riêng cụm 3 hồ chứa nước thô từ sông Sài Gòn đã hơn một tỷ USD, phải thực hiện trong khoảng 30 năm.
Cùng với trữ nước, giảm ô nhiễm nguồn nước thô cũng là nhiệm vụ cấp bách được TP HCM đặt ra từ năm 2019. Để ứng phó với ô nhiễm nguồn nước và giảm nguy cơ nhiễm mặn, kế hoạch "đổi nguồn cho nước" được đưa vào định hướng phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020-2050. Hai điểm khai thác nước thô sẽ được di dời lên thượng lưu hai dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, TP HCM sẽ di dời trạm bơm Hoà Phú (huyện Củ Chi) lên vị trí cách ngã ba sông Thị Tính - Sài Gòn 10-15 km về phía thượng lưu nhằm hạn chế ảnh hưởng nguồn ô nhiễm từ Bình Dương đổ xuống sông Thị Tính. Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng cụm hồ chứa số 1 ngay cạnh nhà máy này để dự trữ nước thô.
Hệ thống quan trắc, giám sát tự động chất lượng nước theo thời gian thực, gồm các chỉ tiêu như lưu lượng, độ mặn, độ đục... và cả nước nhiễm dầu cũng đang được Sawaco kết hợp các chuyên gia quốc tế để triển khai. Hệ thống xử lý nước sẽ được nâng cấp từ keo tụ tạo bông thành công nghệ xử lý sinh học UBCF (lọc sinh học), kết hợp sục ozone (loại bỏ chất vô cơ) và châm than hoạt tính dạng bột (loại bỏ chất hữu cơ) - có khả năng xử lý nguồn nước nhiễm hữu cơ, ammonia, mangan và thay thế việc sử dụng hóa chất, dự kiến vận hành vào năm 2025.
Để tăng nguồn nước dự phòng, TP HCM cũng đặt mục tiêu xây thêm nhà máy để tăng công suất cấp nước lên 3,63 triệu m3 vào năm 2025, đồng thời, ngưng khai thác nước ngầm vào năm 2030.
Dù ủng hộ các giải pháp này, PGS.TS Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình Thạc sỹ quốc tế về Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước, Đại học Việt Đức, nói TP HCM không thể "chạy đua mãi với thiên nhiên". Thay vào đó, giải pháp bền vững cho đô thị 10 triệu dân là tái sử dụng nguồn nước.
Theo ông Lựu, trung bình mỗi năm, nhu cầu dùng nước tại TP HCM tăng 5-8%, tuỳ tốc độ tăng dân số và các hoạt động kinh tế. Thế nhưng, nguồn nước không phải vô tận và lượng nước cấp sinh hoạt không thể mãi đuổi theo con số này. "Tái sử dụng nước và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là lối ra cho TP HCM", ông Lựu nói.
Giải pháp này được cho rất phù hợp với cơ sở kinh doanh, sản xuất - nhóm tiêu thụ 10-15% tổng nhu cầu cấp nước - bởi thuận lợi trong thiết lập hệ thống tái sử dụng nước và cũng tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp mà không phải thay đổi trữ lượng dùng nước theo nhu cầu.
Chuyên gia này cho rằng vấn đề quan trọng nhất là chính quyền, người dân hiểu được mức nguy cấp của các giải pháp an ninh nguồn nước và sớm đưa vào thực tế. "Nếu một công trình đô thị chậm triển khai vài chục năm, điều tệ nhất là thiệt hại về kinh tế, nhưng những dự án bảo vệ an toàn nguồn nước muộn màng có thể dẫn đến tương lai thiếu nước", ông Lựu nói và cho rằng đây nên là ưu tiên số một của TP HCM trong phát triển bền vững.
Hiện, ngân sách cho bảo vệ môi trường của TP HCM còn khá khiêm tốn. Trong 13 khoản chi thường xuyên được thành phố dự toán năm 2022, khoản dành cho bảo vệ môi trường đứng thứ 7, chỉ chiếm 3% (hơn 1.211 tỷ đồng), cao hơn 1% so với tỷ lệ mà Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến nghị.
Theo ông Lựu, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước, TP HCM cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho môi trường. "Chúng ta không hề giàu có về nguồn nước và phải chuẩn bị cho một tương lai nghèo nước đang ở rất gần", chuyên gia này cảnh báo.
Thu Hằng - Khánh Hoàng