Giới chức châu Âu từng đưa ra ý tưởng cấp "giấy chứng nhận miễn dịch" cho người khỏi bệnh Covid-19, song không ai biết những bệnh nhân này liệu có thực sự không bị mắc bệnh lại, thời gian miễn dịch nếu có là bao lâu.
Sau mỗi lần nhiễm trùng, ngoài khả năng loại bỏ virus, hệ miễn dịch còn lưu trữ những kháng thể đặc hiệu để chống lại mầm bệnh tương tự trong tương lai. Điều này xảy ra với hầu hết các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, báo cáo gần đây từ Hàn Quốc và Trung Quốc khiến các nhà khoa học bất ngờ và hoang mang: hàng chục bệnh nhân đã khỏi bị dương tính lại, họ có lượng kháng thể không đồng đều.
Mỹ đang tiến hành xét nghiệm kháng thể đại trà. Điều này là vô cùng quan trọng đối với quyết định mở cửa lại nền kinh tế. Chúng cũng giúp trả lời một câu hỏi then chốt: dịch đã lây lan rộng đến mức nào và có bao nhiêu người nhiễm nCoV mà không biểu hiện triệu chứng.
Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết nếu tiến hành xét nghiệm đại trà, có thể người dân sẽ được cấp "chứng nhận miễn dịch" với virus. Song có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ như: cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận; giấy chứng nhận thực chất có tác dụng gì.
Uỷ viên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Stephen Hahn, cũng bày tỏ lo ngại về tính chính xác của các bộ kit xét nghiệm kháng thể chưa được FDA phê duyệt về mặt kỹ thuật. Trong trường hợp đó, kết quả dương tính không khẳng định bệnh nhân có miễn dịch với Covid-19. Hơn thế, khả năng miễn dịch còn phụ thuộc vào ngưỡng kháng thể mà người bệnh sản sinh. Hiện tại không ai dám chắc ngưỡng này.
Một nghiên cứu về dịch SARS năm 2003 cho thấy những bệnh nhân sống sót duy trì lượng kháng thể trong thời gian trung bình là 2 năm, sau đó giảm dần. Thời gian duy trì miễn dịch giữa các chủng virus corona cũng có sự khác biệt. Đối với hai chủng virus corona khác gây ra bệnh cảm thường, khả năng miễn dịch được duy trì trung bình 45 tuần. Nếu nCoV cũng tuân theo quy luật đó, rất có thể nó sẽ bùng phát hàng năm.
nCoV có bộ gene tương tự như virus SARS, tuy không nguy hiểm bằng nhưng lại lây lan mạnh hơn. Rất nhiều người nhiễm không có triệu chứng, song vẫn truyền bệnh được cho người khác.
Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, số lượng kháng thể có sự khác biệt rất lớn. Đáng chú ý, người trẻ có ít kháng thể hơn khi mới nhiễm bệnh. Cơ thể một số người thậm chí không sinh miễn dịch. Điều này làm dấy lên lo ngại về những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, khi được xác nhận nhiễm bệnh bằng các xét nghiệm PCR, có khả năng tái nhiễm.
Trong khi đó, kết quả điều tra của Hàn Quốc mang tới những lo lắng khác. Các cơ quan y tế cho biết có 91 bệnh nhân khỏi bệnh đã dương tính lại sau khi xuất viện.
Tuy nhiên, điều này không nhất thiết nghĩa là họ đã tái nhiễm. Do xét nghiệm kháng thể rất nhạy, nó có thể phát hiện những dấu vết vật chất di truyền còn sót lại của virus bị bất hoạt.
Các chuyên gia tại Hàn Quốc đang lấy mẫu từ các bệnh nhân dương tính lại và tìm cách nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm. Đây là phương pháp tốt nhất để biết liệu cơ thể các bệnh nhân có đang thực sự loại bỏ virus còn sống hay không. Kết quả sẽ có sau 2 tuần.
Với tình hình hiện tại, kịch bản lý tưởng về "miễn dịch cộng đồng" (70-80% dân số sản sinh kháng thể) có thể còn rất lâu mới thành hiện thực. Gần như chắc chắn nó chỉ xảy ra nếu vaccine được sản xuất và phân phối rộng rãi.
Linh Phan (Theo Washington Post)
Nhiều giả thiết xoay quanh người tái dương tính nCoV